An toàn chung cư: Nhắc nhiều vẫn quên
Những bậc cha mẹ luôn tự nhắc bản thân sống phải an toàn, nhưng vẫn liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em thiệt mạng trong năm nay do gia đình không đảm bảo an toàn chung cư.
Tháng 1 tại khu chung cư Star Tower số 283 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, trong lúc bố đi làm, mẹ đi chợ, bé gái 4 tuổi ngủ dậy đã rơi từ tầng 25 xuống mái hiên tầng 1 và tử vong. Tháng 8, dư luận bàng hoàng trước thông tin một bé gái 6 tuổi không qua khỏi do rơi từ cửa sổ tầng 12 của một tòa chung cư trong ngõ 242 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 8/11 vừa qua, bé trai thiệt mạng do rơi từ tầng 8 của chung cư Hiệp Thành City - The ParkLand, đường Hoa Cúc, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM.
Liên tiếp những vụ việc xảy ra như hồi chuông báo động do sự vô tâm và đãng trí của những bậc làm cha mẹ. Vấn đề an toàn chung cư cũng như gia cố rào chắn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng bằng một cách nào đó vẫn không chú tâm tới và quên. Để rồi những giọt nước mắt rơi xuống quá muộn màng. Bố mẹ cần lưu tâm và tiến hành khắc phục an toàn chung cư ngay vì con trẻ.
Đảm bảo an toàn ở khu vực ban công, lô-gia, cửa sổ
Nhiều hộ gia đình rất cẩn thận làm song sắt lan can ban công, có chiều cao tối thiểu là 1.3m. Tuy nhiên, những đứa trẻ hiếu động vẫn có thể trèo qua nếu chúng ta rời mắt khỏi chúng. Có trường hợp để những vật dụng như ghế nhựa, hộp, bàn… ngoài ban công giúp những đứa trẻ làm bệ leo trèo rất nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, cần lắp thêm lưới an toàn chống ngã, hoặc lắp kính cường lực để vừa an toàn, vừa đảm bảo thẩm mĩ.
Khu vực cửa sổ trong phòng cũng là nơi nguy hiểm. Các chung cư mới làm của sổ theo kiểu cửa dập, cửa chớp, rất nguy hiểm với trẻ. Không nên để các đồ vật làm bệ như giường, bàn, ghế, tủ ở cạnh những cửa sổ này.
Không nên để trẻ ở nhà một mình
Trẻ em vốn tò mò, hiếu động, không nên để trẻ một mình.
Nhiều người chủ quan khi để trẻ ngủ một mình ở nhà để chạy ra ngoài mua đồ vài phút. Nhưng tâm lí trẻ nhỏ không thấy người thân đâu là sẽ đi tìm, chúng sẽ ra ban công, của sổ để nhìn, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thường xuyên nhắc nhớ trẻ về mối nguy hiểm.
Dùng kinh nghiệm của bản thân nhắc nhở trẻ về nguy hiểm, lặp đi lặp lại điều đó khi đi thang máy, thang bộ, hoặc bất kì chỗ nào trong chung cư mà bạn thấy có nguy hiểm.
Những chỗ nguy hiểm trong nhà có thể dán cảnh bảo nguy hiểm để tác động trực tiếp vào trẻ.
Không để trẻ chơi trong hành lang mà không kiểm soát.
Có khả năng trẻ bị kẻ xấu bắt cóc.
Chạy xuống cầu thang bộ và bị lạc.
Ngẫu nhiên bấm thang máy lên tầng thượng và ngã xuống.