Tin tức

Ẩn số Triều Tiên khi tạo 'vòng tròn' vũ khí khép kín

(VOVTV) - Cùng với diễn biến nóng tại Ukraine, bán đảo Triều Tiên cũng đang gây sự chú ý của dư luận quốc tế với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.

Tác giả Bùi Hùng / VOV Tokyo
01/03/2022 14:23

Vụ thử tên lửa đạn đạo này là nhằm phát triển hệ thống vệ tinh do thám. Như vậy, từ các hệ thống vũ khí công nghệ cao đến hệ thống giám sát vệ tinh, Triều Tiên không ngừng mở rộng và làm giàu kho vũ khí giữa lúc đàm phán bế tắc với Mỹ và Hàn Quốc.

“Vòng tròn” vũ khí khép kín

Những lần thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy, Triều Tiên không chỉ cải tiến công nghệ mà còn mở rộng các loại vũ khí từ vũ khí công nghệ cao đến hệ thống giám sát vệ tinh.

Từ đầu năm đến nay vỏn vẹn khoảng 2 tháng, Triều Tiên đã 8 lần phóng tên lửa, trong đó bao gồm bộ 3 vũ khí là tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình vốn được coi là “uy lực” nhất trong các loại vũ khí. Điều này chứng tỏ công nghệ phát triển tên lửa của Triều Tiên rất phát triển và phát triển đến đâu chưa ai dám khẳng định. Bởi chỉ khi nào nước này phóng tên lửa, thì các bên liên quan mới có dữ liệu phân tích và đưa ra kết luận. 

Đây cũng đồng nghĩa với việc trong tình huống khẩn cấp xảy ra, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không sử dụng một loại tên lửa riêng lẻ nào, mà phối hợp các loại tên lửa trên để tạo đòn phản công mạnh nhất có thể.

Theo các chuyên gia phân tích thì khó có hệ thống phòng thủ nào có thể cùng lúc đối phó với bộ ba này, chưa kể các hệ thống gây nhiễu điện tử, tên lửa mồi bẫy có thể giảm tối đa hiệu quả của tổ hợp đánh chặn. Ngay cả vũ khí của Mỹ và Nga đang nghiên cứu cũng được cho là khó có thể phá được tổ hợp vũ khí này của Triều Tiên.

Chưa hết, Tờ Rodong, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin nước này đã thực hiện một thử nghiệm quan trọng để phát triển vệ tinh trinh thám.

Tờ báo cho biết, Cục phát triển vũ trụ quốc gia và Viện khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm chụp thẳng, chụp nghiêng một khu vực nhất định trên trái đất, bằng thiết bị ghi hình sẽ được gắn trên vệ tinh trinh thám.

Tuy nhiên, theo phân tích của truyền thông Hàn Quốc thì vệ tinh trinh thám sử dụng công nghệ phóng tên lửa tầm xa để đưa vệ tinh lên không gian, do đó, đây có thể là cái cớ thường được Triều Tiên sử dụng để có thể phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bởi công nghệ tên lửa tầm xa và công nghệ ICBM gần như tương tự.

Ẩn số Triều Tiên khi tạo 'vòng tròn' vũ khí khép kín  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, Triều Tiên khẳng định rằng cuộc thử nghiệm đã kiểm chứng về đặc điểm và tính chính xác của hệ thống ghi hình độ phân giải cao, hệ thống truyền dữ liệu và thiết bị điều khiển. Cuộc thử nghiệm mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vệ tinh trinh thám. Và đây cũng là mục tiêu chiến lược phát triển quốc phòng mà Triều Tiên đã đề ra tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 hồi tháng 1 năm ngoái.

Như vậy, ban đầu có thể nhận định rằng Triều Tiên đang hoàn thiện “vòng tròn khép kín” tên lửa với hy vọng có trình độ vượt cả tên lửa của Mỹ hay Nga.

Triều Tiên “rút kinh nghiệm” gì  từ xung đột Nga - Ukraine?

Vụ phóng lần này diễn ra giữa lúc Nga đang triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, đẩy an ninh châu Âu vào tình trạng khủng hoảng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ở khu vực, chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Thời điểm và bối cảnh quốc tế như vậy tác động ra sao đến các kế hoạch tiếp theo của Triều Tiên?

Kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên dường như được tính toán khá kỹ khi Olympic Bắc Kinh vừa kết thúc. Hơn nữa, trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, phía Nga đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng và cũng chọn thời điểm Olympic Bắc Kinh kết thúc để “ra đòn” với Ukraine. Theo đó, Mỹ và các nước đồng minh cùng châu Âu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào Nga. Các chuyên gia cho rằng, Washington sẽ cùng các nước đồng minh đáp trả Moscow còn Nga có khả năng sẽ bắt tay với các nước đối đầu với Mỹ như Trung Quốc.

Bên cạnh căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay, việc Nga tấn công Ukraine có thể làm dấy lên cuộc đối đầu giữa Hàn - Mỹ - Nhật và Triều - Trung - Nga. Nếu vậy, điều này sẽ gây ra hạn chế đáng kể trong việc giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Nói cách khác, Trung Quốc và Nga có thể sẽ từ chối tham gia vào nỗ lực của Hàn Quốc và Mỹ để tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng có khả năng tận dụng cơ hội này, dùng sự hậu thuẫn của Bắc Kinh và Moscow để đẩy nhanh quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Một giả thiết nữa là Triều Tiên “soi mình” từ trường hợp của Ukraine hay là Libya và Iraq trong quá khứ, và sẽ càng theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho đất nước.

Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho đất nước. Nhưng cam kết quốc tế này đã trở thành "tờ giấy trắng" sau khi Ukraine bị Nga tấn công. Triều Tiên có thể lấy vụ việc lần này của Ukraine làm bài học kinh nghiệm cho mình.

Và như vậy, Triều Tiên sẽ nối lại thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thực hiện hành động thực tế để thu hút sự chú ý của phương Tây bao gồm cả Mỹ. Chính điều này, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc không mong muốn xung đột quân sự tại Ukraine sẽ khiến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bị đẩy ra khỏi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Mục đích

Theo Đài Phát thanh Hoa Kỳ, kinh phí mà Triều Tiên phải chi cho một lần phóng tên lửa tầm trung tốn từ 10-15 triệu USD, tầm ngắn từ 3-5 triệu USD, còn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hết khoảng 20-30 triệu USD. Như vậy trong 7 lần phóng trước, Triều Tiên đã phải chi hết khoảng 65 triệu USD. Số tiền này có thể mua được 150.000 tấn gạo. Một ngày nhân dân Triều Tiên tiêu thụ hết khoảng 10.000 tấn, và theo năm nay Triều Tiên thiếu khoảng 800.000 tấn lương thực.

Dĩ nhiên dễ nhận thấy rằng, không có một quốc gia nào mà lại muốn đánh đổi sự đói no của dân với bất cứ một chuyện gì, và Triều Tiên cũng vậy. Tuy nhiên, Triều Tiên đã coi thử hạt nhân, phát triển tên lửa là chiến lược phát triển quốc gia, nên mặc dù tốn nhiều kinh phí, nước này có thể vẫn kiên trì thực hiện. Bởi lẽ từ sau những cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, dường như bất đồng đã kéo dài vài thập kỷ không dễ giải quyết một sớm một chiều. Và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ khiến Triều Tiên cân nhắc thêm về kế hoạch của mình trong tương lai.

Ý kiến của bạn