Ấn Độ lại tiếp tục hứng bão mới
(VOVTV) - Cơn bão dự kiến đổ bộ vào các bang phía Đông Ấn Độ vào ngày 26/5 với sức gió có thể lên đến 185km/h. quốc gia láng giềng Bangladesh cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Giới chức Ấn Độ ngày 24/5 đã ra lệnh sơ tán gần nửa triệu người để tránh một trận bão mới đang hướng về miền Đông nước này chỉ một tuần sau khi siêu bão Tauktae tràn vào bờ biển phía Tây khiến hơn 155 người thiệt mạng.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết bão lớn Yaas đã hình thành trên Vịnh Bengal và dự đoán sẽ tiến vào các bang Tây Bengal và Odisha vào ngày 26/5. Theo thông báo, bão Yaas - với sức gió có thể lên tới 185 km/giờ khi đổ bộ vào đất liền.
IMD cũng cảnh báo bão Yaas có khả năng gây biển động dữ dội, tạo các cột sóng cao tới 4 mét tại các khu vực ven biển, có thể gây tình trạng ngập lụt các khu vực ven biển vốn nằm ở vị trí trũng thấp.
Người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa bang Tây Bengal, ông Javed Ahmed Khan khẳng định kế hoạch sơ tán dân chúng ở các huyện ven biển và rừng ngập mặn Sundarbans, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, đã bắt đầu từ ngày 23/5. Ông Khan cho biết: "Chúng tôi phải sơ tán gần nửa triệu người đến các trường học và các văn phòng của chính quyền địa phương đã trở thành các trung tâm tránh bão cho người dân".
Giám đốc cơ quan cứu trợ đặc biệt của bang Odisha, ông Pradeep Jena, thông báo việc sơ tán đã được lên kế hoạch, trong đó chính quyền bang cũng đã sắp xếp nguồn điện dự phòng cho các nhà máy sản xuất bình ôxy cung cấp cho bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cùng ngày, Thủ tướng Narendra Modi thông báo triển khai lực lượng quân đội và các nhóm cứu trợ thảm họa nhằm phối hợp giúp đỡ người dân trong hoạt động chống bão và khắc phục hậu quả sau bão.
Hiện quốc gia láng giềng Bangladesh cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Các nhà khoa học nhận định các cơn bão tại Ấn Độ đang gia tăng tần suất và cường độ do tác động của biến đổi khí hậu. Tháng 5 năm ngoái, siêu bão Amphan càn quét miền Đông Ấn Độ và Bangladesh đã khiến hơn 110 người thiệt mạng, san phẳng nhiều ngôi làng, phá hủy hoa màu và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh mất điện./.
Tin nổi bật
Tin Video