Tin tức

Ấn Độ: Doanh nhân trẻ với sáng kiến phi thường 'giải cứu' sông Hằng

(VOVTV) - Sông Hằng ở Ấn Độ lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý: được hàng triệu người tôn kính sâu sắc nhưng cũng nằm trong số những con sông ô nhiễm nhất thế giới, với nước thải sinh hoạt, chất thải hóa học, chất thải công nghiệp, xác động vật chết và hàng triệu tấn chất thải từ hoa tươi dâng lên các đền thờ.

Tác giả Hà Thu / VOVTV  -  
19/03/2021 17:15

Theo truyền thống, người Ấn Độ dâng hoa tại các ngôi đền để thể hiện lòng tôn kính đối với sự tinh khiết và linh thiêng của các vị thần, vô tình tạo nên một lượng chất thải rất lớn từ những bông hoa được đem dâng.

Mỗi năm, người dân Ấn Độ đổ khoảng 8 triệu tấn hoa chứa thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng xuống nước, phá hủy hệ sinh thái mong manh của những con sông, trong đó có sông Hằng - con sông linh thiêng nhất của Ấn Độ và là huyết mạch đối với hàng trăm triệu người sống ven bờ sông qua nhiều thế hệ.

Trước thực trạng đó, Ankit Agarwal, một doanh nhân trẻ ở thành phố Kanpur phía bắc, nằm bên bờ sông Hằng, đã quyết định phải hành động để giảm thiểu thiệt hại đó bằng cách thu gom hàng tấn rác thải từ hoa và tái chế chúng thành những nén hương và loại giấy gói dễ dàng phân huỷ có thể đem trồng như hạt giống sau khi sử dụng.

Biến hoa thành hương để cứu lấy dòng sông Hằng đang ô nhiễm nghiêm trọng ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Các công nhân đang gỡ hoa từ những vòng hoa bỏ đi được thu thập từ bên ngoài các ngôi đền và bờ sông Hằng sau khi được các tín đồ Ấn Độ giáo dâng lên các vị thần, để làm nhang tại nhà máy của công ty Phool ở Kanpur, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS / Sunil Kataria

Agarwal đã được truyền cảm hứng để hành động từ vài năm trước, khi anh quan sát hàng trăm người tắm trong làn nước bẩn thỉu và ô nhiễm của sông Hằng. Anh thấy nước sủi bọt và phản ứng với một đống rác thải hoa đang được một chiếc xe tải dỡ xuống.

Anh Ankit Agarwal cho biết: "Hàng năm, hơn nửa tỷ người theo đạo Hindu đến các ngôi đền để thờ cúng và chúng tôi dâng hoa lên các vị thần, hoa - như một lễ vật tốt nhất mà con người đem dâng. Nhưng hiếm ai nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra với những bông hoa này sau đó. Đáng buồn thay, những bông hoa thiêng liêng này được đổ xuống các vùng nước như sông Hằng để tôn trọng sự tôn nghiêm của hoa.

Mỗi năm, người Ấn Độ chúng tôi đổ xuống sông Hằng khoảng 8 triệu tấn hoa. Tất cả các loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng được sử dụng để trồng những bông hoa này đều hòa vào nước sông, khiến nó có độc tính cao, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm gan, dịch tả trên khắp Ấn Độ và Bangladesh, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 420 triệu người. Cuối cùng, những loại thuốc trừ sâu này trộn với nước ngầm gây ra những thiệt hại không thể phục hồi."

Biến hoa thành hương để cứu lấy dòng sông Hằng đang ô nhiễm nghiêm trọng ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Các công nhân thực hiện nhào bột nghiền từ những bông hoa bỏ đi, để làm hương. Ảnh: REUTERS / Sunil Kataria

Nhờ có công ty Phool của anh Ankit Agarwal, những bông hoa bỏ đi được thu gom trực tiếp từ các ngôi đền và bên bờ sông Hằng, sau đó được đưa đến nhà máy của Phool, rửa sạch thuốc trừ sâu và hóa chất, và bột hoa được dùng để làm hương và "gulal" (bột màu dùng trong nghi lễ). Các gói sản phẩm của Phool có thể phân hủy sinh học và được tẩm hạt cây húng quế - một ý tưởng đã tạo nên thương hiệu cho Phool.

Biến hoa thành hương để cứu lấy dòng sông Hằng đang ô nhiễm nghiêm trọng ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Công đoạn nặn bột, lăn bột làm thành những que hương. Ảnh: REUTERS / Sunil Kataria

Phool hiện có hơn 100 nhân công, chủ yếu là phụ nữ, tại nhà máy của công ty ở Kanpur, và hoạt động kinh doanh đang phát triển khá ổn định, ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Biến hoa thành hương để cứu lấy dòng sông Hằng đang ô nhiễm nghiêm trọng ở Ấn Độ - Ảnh 4.

Cả hương và hộp đựng hương đều được công ty Phool làm từ những bông hoa bỏ đi, thu nhặt về từ các đền thờ và bên bờ sông Hằng, giúp giảm tình trạng rác thải từ hoa làm ô nhiễm dòng sông linh thiêng. Ảnh: REUTERS / Sunil Kataria

Agarwal cho biết anh cũng đang nghiên cứu tạo ra các vật liệu có thể phân hủy sinh học khác từ rác thải hoa. Một trong số đó là giải pháp thay thế xanh cho xốp phân hủy trong vòng chưa đầy một tháng, và một dạng da mà anh gọi là "da hoa". Anh cho biết anh đang đàm phán với một số hãng thời trang hàng đầu châu Âu để có hợp đồng độc quyền cung cấp "da hoa" cho sản xuất túi xách tay và các mặt hàng khác.

Ý kiến của bạn