Ấn Độ cân nhắc dùng nhạc thay còi xe
(VOVTV) - Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari vừa cho biết, cơ quan này đang cân nhắc sửa luật để bắt buộc sử dụng âm thanh của các nhạc cụ thay thế cho còi trên các phương tiện giao thông cơ giới.
Phát biểu trong một lễ khánh thành đường cao tốc hôm 4/10, ông Gadkari cho biết, cơ quan chức năng đang nghiên cứu hệ thống âm thanh cảnh báo trên các xe cứu thương và phương tiện của cảnh sát và sẽ thay thế chúng bằng các giai điệu nhẹ nhàng hơn, vốn được sử dụng trên Đài Phát thanh Toàn Ấn.
Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ cho biết, đã tới lúc phải dừng sử dụng các âm thanh cảnh báo gây khó chịu. “Tôi sống trên tầng 11 của căn chung cư. Mỗi sáng tôi tập thiền khoảng 1 tiếng, nhưng tiếng còi đã phá hỏng cả buổi sáng yên tĩnh. Bây giờ tôi muốn đặt dấu chấm hết cho việc sử dụng còi. Tôi đang nghiên cứu việc dùng còi trên xe cứu thương và xe cảnh sát”. Ông Gadkari nói.
“Một sáng, tôi từng nghe giai điệu do nghệ sỹ của Đài Phát thanh Toàn Ấn sáng tác. Tôi đang nghĩ về việc sử dụng giai điệu đó cho xe cấp cứu bệnh nhân. Nó sẽ giúp mọi người cảm thấy thích thú. Tiếng còi hiện nay hết sức khó chịu, đặc biệt khi các quan chức đi qua và âm thanh được sử dụng hết mức”, ông Gadkari chia sẻ.
Theo bộ trưởng Gadkari, nghiên cứu đang được tiến hành và chính quyền sẽ sớm lên kế hoạch để luật hóa việc sử dụng còi trên các phương tiện giao thông. Yêu cầu đặt ra là âm thanh còi xe trên tất cả xe cộ sẽ dựa trên các nhạc cụ Ấn Độ như sáo, trống tabla, violin, kèn harmonica …
Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ cho biết, mỗi năm nước này xảy ra 500.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 150.000 người và hàng trăm nghìn người khác bị thương. Ấn Độ mất khoảng 3% GDP mỗi năm vì tai nạn giao thông.
Các giải pháp giúp giảm thương vong do tai nạn giao thông gồm việc phát triển hệ thống đường cao tốc. Ví dụ, tuyến đường cao tốc từ Mumbai đi Pune đã giúp giảm 50% số vụ tai nạn. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã bắt buộc xe ô tô sản xuất mới phải có 6 túi khí.