Khám phá

Ẩm thực năm mới độc đáo của các dân tộc trên thế giới

Truyền thống ẩm thực dịp năm mới từ khắp nơi trên thế giới luôn đa dạng và hấp dẫn, có chung ước vọng về sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc sẽ đến.

01/01/2022 06:50

Các lễ kỷ niệm năm mới sớm nhất có thể bắt nguồn từ 4.000 năm từ thời Babylon cổ đại. Người Babylon theo lịch âm và bắt đầu năm mới vào lần trăng non đầu tiên sau ngày xuân phân. Để kỷ niệm ngày này, họ đã tổ chức một lễ hội tôn giáo lớn kéo dài 11 ngày có tên là Atiku.

Ẩm thực năm mới độc đáo của các dân tộc trên thế giới - Ảnh 1.

Món Hoppin ’John của người Mỹ. Nguồn: Internet

Bắt nguồn từ tiếng Sumer có nghĩa là lúa mạch, Atiku là vụ thu hoạch mùa Xuân. Mỗi ngày trong số mười một ngày sẽ bao gồm một nghi lễ khác nhau để tôn vinh thần bầu trời Babylon Marduk. Truyền thống ẩm thực dịp Năm mới từ khắp nơi trên thế giới luôn đa dạng và hấp dẫn, có chung ước vọng về sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc sẽ đến.

Hoppin ’John - Miền Nam nước Mỹ

Món Hoppin ’John bao gồm đậu mắt đen, thịt lợn và cơm. Đậu Hà Lan và thịt lợn đóng một vai trò đặc biệt trong món ăn cổ điển năm mới này. Đậu mắt đen tượng trưng cho đồng tiền, thịt lợn tượng trưng cho sự thịnh vượng và gạo - tốt cho sức khỏe. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, món ăn là sự kết hợp của ẩm thực châu Phi và Tây Ấn, đã phổ biến tại Mỹ từ thế kỷ XVI.

Pizza pepperonis là món ăn có nguồn gốc từ Italy và dần trở nên quen thuộc trong văn hóa ẩm thực lễ Tết ở Mỹ. Pizza pepperonis được làm từ các nguyên liệu như xúc xích, phô mai sợi, dầu olive, nấm xào, nước sốt và rải thêm một ít rau thơm, húng tây lên mặt bánh.

Mì Soba - Nhật Bản

Người Nhật Bản có phong tục dùng một ít mì soba thơm vào đêm giao thừa trong một nghi lễ được gọi là Toshikoshi soba, hay còn gọi là mì tất niên. Biểu tượng này liên quan đến lời chào tạm biệt năm ngoái và cầu chúc sự trường thọ trong năm mới. Sợi mì có nước dùng khác nhau tùy theo vùng, nhưng phổ biến nhất là được phủ lên trên với chả cá chiên.

Truyền thống này bắt nguồn từ thế kỷ XVII, người ta tin rằng hình dạng mỏng và chiều dài của soba có ý nghĩa biểu thị một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Nhiều người cũng tin rằng vì cây kiều mạch dùng để làm mì soba rất bền nên người ta ăn mì vào đêm giao thừa để biểu thị sức mạnh của họ.

Ngoài ra, Tết của người Nhật Bản còn có truyền thống giã bánh gạo gọi là mochitsuki. Gạo nếp và đường được ngâm, hấp chín và giã thành khối mịn trong những chiếc cối đá và chày gỗ truyền thống. Sau đó, bánh sẽ được mọi thành viên gia đình thay phiên nhau véo từng miếng nhỏ và ăn sau bữa chính.

Ẩm thực năm mới độc đáo của các dân tộc trên thế giới - Ảnh 2.

Mì Soba. Ảnh: Tokyo.jp.

Vasilopita - Hy Lạp, Pháp

Bánh Vasilopita là một loại bánh ngọt truyền thống của Hy Lạp, Pháp, được ăn vào những dịp đặc biệt cũng như đầu Năm Mới. Món bánh này cũng phổ biến ở một số nước Đông Âu với tên gọi là "bánh thánh Basil", hoặc "bánh vua". Chiếc bánh này chỉ đơn thuần là bánh ngọt bơ bình thường, song điều khiến chúng trở nên đặc biệt đó chính là có một đồng xu nhỏ, và ai may mắn bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình sẽ được coi là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm.

Cá trích - Ba Lan và các quốc gia Scandinavia

Cá trích ngâm giấm ăn kèm với hành tây và dưa chua là món ăn năm mới phổ biến nhất tại Ba Lan và các quốc gia Scandinavia như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo. Cá trích có màu bạc, chính vì vậy chúng được ăn vào lúc nửa đêm để ước vọng về một Năm mới thịnh vượng.

Món cá trích phổ biến ở Ba Lan là Sledzie Marynowane – cá trích ngâm muối, hành, hạt tiêu và giấm trắng trong 24 giờ. Người Scandinavia thường ăn cá trích cùng dưa chua, hành tây, pate, thịt viên và sốt kem trong một đĩa lớn. Trong khi đó người Scandinavia sẽ ăn cá trích hun khói, kèm dưa chua, pate và thịt viên.

Oliebollen - Hà Lan

Oliebollen được ăn với số lượng lớn vào Đêm Giao thừa trên khắp Hà Lan. Những hình cầu nhỏ tương tự như bánh rán này được làm bằng bột cùng với nho khô. Sau khi chiên giòn, chúng được phủ một chút đường bột.

Ẩm thực năm mới độc đáo của các dân tộc trên thế giới - Ảnh 3.

Món Oliebollen của Hà Lan. Nguồn: Internet

Marzipanschwein hoặc Glücksschwein - Đức

Người dân ở Đức thưởng thức bữa ăn truyền thống Silvesterkarpfen (hay ‘Cá chép năm mới’) vào đêm giao thừa. Nếu có một thứ mà người Đức có vẻ yêu thích khi nói đến thực phẩm, thì đó là thịt lợn. Đêm giao thừa và ngày đầu năm mới cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, ngoài một chú lợn sữa trong bữa tối, sẽ có những món quà nhỏ - chiếc bánh hạnh nhân đáng yêu có tên là Marzipanschwein. Những chú lợn may mắn này hay ‘Glücksschwein’ là những món ăn hình con lợn tượng trưng cho sự thịnh vượng mà lợn được cho là sẽ mang lại, ăn cùng với rượu vang đỏ vào đêm Giao thừa và thường được làm quà tặng.

Cá luộc - Đan Mạch

Người Đan Mạch có bữa ăn đêm giao thừa truyền thống gồm cá luộc với mù tạt, sau đó là bánh rán hạnh nhân gọi là kransekage, nghĩa là "bánh vòng hoa". Đó là một chiếc bánh cao, hình nón với nhiều bánh tròn nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành một tháp bánh xinh xắn. Bánh được làm bằng bột mì, hạnh nhân và thường được trang trí với những lá cờ nhỏ.

Ăn nhiều bữa - Estonia

Ở Estonia, số 7, 9 và 12 được coi là may mắn. Vì vậy, vào ngày đầu năm mới, truyền thống ăn bảy, chín hoặc mười hai bữa. Càng ăn nhiều thực phẩm, thì năm tới sẽ càng dồi dào lương thực.

Thịt lợn - Hungary

Ở Hungary có truyền thống ăn nhiều thịt lợn vào ngày đầu năm mới. Chất béo dồi dào tượng trưng cho sự thịnh vượng và giàu có.

Cotechino con lenticchie - Italy

Món ăn này bao gồm xúc xích và đậu lăng, chúng được cho là mang lại may mắn. Bữa ăn kết thúc với Chiacchiere, những chiếc bánh được nướng giòn rụm sau đó phủ bột, đường lên trên.

Tamales – Mexico

Ẩm thực năm mới độc đáo của các dân tộc trên thế giới - Ảnh 4.

Món Tamales của Mexico; Nguồn: Internet

Đất nước Trung Mỹ Mexico nổi tiếng với những món ăn độc đáo từ ngô và Tamales là một trong số đó. Tamales xuất hiện trong đời sống người dân Mexico từ rất sớm và là bột ngô cùng thịt, mỡ, rau, phô mai được gói trong chính lớp lá ngô, rồi được hấp kỹ trong 2 giờ đồng hồ. Vào dịp năm mới, Tamales sẽ được ăn kèm với món súp.

Thịt nướng xiên - Trung Quốc

Thịt nướng xiên là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết ở Trung Quốc. Người Trung Quốc thường làm những que thịt xiên rồi nướng trên than hoa, cùng nhau thưởng thức không khí vui tươi, ấm áp, quây quần bên nhau. Thịt để xiên có thể là thịt lợn, thịt gà hoặc thịt bò.

Poutine – Canada

Poutine là món ăn được người Canada lựa chọn để thưởng thức vào dịp năm mới. Nguyên liệu chính của món ăn này là khoai tây chiên, ăn kèm với nước sốt thịt bò, pho mát, tôm hùm, trứng cá...

Acaraje – Brazil

Acaraje là món ăn đặc trưng ở Brazil, từ lâu đã trở nên không thể thiếu trong những dịp năm mới. Nguyên liệu để làm món ăn là tôm, dầu giấm, tỏi, gừng, nước sốt đặc biệt, được bọc trong chiếc vỏ hình cầu có thành phần từ đậu đen nghiền nhỏ, sau đó người ta đem chiên trong dầu quả cọ. Acaraje có thể ăn không hoặc ăn kèm với nước sốt tôm tùy theo khẩu vị của mỗi người.

Ý kiến của bạn