Alibaba dính án phạt chưa từng có và câu chuyện kiểm soát 'big tech'
Chính quyền Trung Quốc vừa giáng án phạt kỷ lục hơn 18 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD) với Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Theo các cơ quan quản lý của Trung Quốc Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba vi phạm các quy định chống độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là mức phạt chống độc quyền cao nhất từng được áp dụng tại Trung Quốc, được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến lược kiểm soát các công ty công nghệ khổng lồ - còn gọi là "big tech" vốn đang "thống trị" nhiều mặt trong đời sống, xã hội nước này.
Thực tế, câu chuyện "kìm cương", "kiểm soát" quyền lực của các "big tech" vốn đã là bài toán đau đầu của chính quyền nhiều nước thời gian qua. Thế nhưng, liệu các giải pháp của Trung Quốc có gì đặc biệt so với các nước khác và những án phạt tài chính kỷ lục có giúp chính quyền Bắc Kinh hiện thực hóa được mục tiêu này?
Trước tiên, phải khẳng định rằng, mức phạt kỷ lục của chính phủ Trung Quốc nhằm vào hành vi độc quyền của Alibaba mang tính răn đe rất cao đối với các công ty công nghệ ở nước này.
Nhìn chung, dư luận Trung Quốc cho rằng, án phạt này là cần thiết dù trên thực tế khoản phạt 2,8 tỷ USD không quá nghiêm trọng đối với Alibaba. Số tiền này chỉ tương đương 4% doanh thu năm 2019 của tập đoàn này
Trong bài xã luận đăng gần như đồng thời với quyết định phạt của Tổng cục Giám sát Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR), tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định, đây là một biện pháp cụ thể được các cơ quan quản lý thực hiện để tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách tùy tiện, nhằm đưa các hoạt động vi phạm quy định pháp luật của doanh nghiệp vào khuôn khổ.
Đây không phải là việc làm phủ nhận vai trò quan trọng hay thay đổi quan điểm ủng hộ kinh tế nền tảng (Platform Economy) tức nền kinh tế mà một phần các hoạt động diễn ra trên nền tảng số, mà nhằm quy phạm hành vi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, thiết lập và kiện toàn hệ thống quản trị kinh tế nền tảng, thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển lành mạnh và bền vững.
Về phần mình, Alibaba đã khẳng định "thành khẩn chấp nhận" và "kiên quyết phục tùng" quyết định, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng. Tuyên bố của công ty nêu rõ: "Sự giám sát và phục vụ của chính phủ, sự phê bình, khoan dung và ủng hộ của các giới trong xã hội là điểm mấu chốt trên chặng đường phát triển của Alibaba".
Quyết định của chính phủ Trung Quốc đối với Alibaba, con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ của nước này là một mũi tên trúng nhiều đích. Không ai có thể phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp công nghệ đối với đời sống kinh tế, thói quen tiêu dùng và phương thức mua bán của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, sự phát triển quá nhanh và mạnh của các công ty này, đã gây lo ngại về sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Khoản phạt kỷ lục trên có thể xóa bỏ nỗi lo pháp lý đè nặng lên Alibaba kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu vào cuối tháng 12/2020. Tuy nhiên, công ty này sẽ thận trọng hơn đối với những thương vụ mua lại và mở rộng hoạt động kinh doanh sắp tới. Các công ty cùng ngành như Tencent, Baidu hay Meituan cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Họ sẽ buộc phải thận trọng hơn khi mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Có thể nói, cuộc điều tra nhằm vào Alibaba nằm trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sức ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn, đồng thời gửi lời cảnh báo đến lĩnh vực công nghệ của nước này, rằng những hành vi triệt tiêu tính cạnh tranh sẽ không còn được khoan nhượng.
Alibaba được xem như thành công trong việc vươn ra thế giới của Trung Quốc. Án phạt nhằm vào Alibaba trên thực tế chủ yếu vẫn chỉ mang tính răn đe, bởi ngoài việc phạt hành chính, giới chức nước này đã không áp đặt những thay đổi lên chiến lược kinh doanh thương mại điện tử của công ty.
Mặc dù là mức phạt kỷ lục, song khoản tiền này vẫn thấp hơn nhiều so với mức phạt cao nhất là 10% theo luật của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian tới Alibaba và các công ty tương tự ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đặt ra mục tiêu kép: vẫn tiếp tục lớn mạnh nhưng phải tuân thủ đúng đường hướng, chính sách của chính quyền trung ương.
Thông điệp mà chính phủ Trung Quốc gửi tới các công ty công nghệ nước này là phát triển, sáng tạo trong khuôn khổ. Trung Quốc vẫn tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các công ty này trong việc đổi mới, nhưng trên cơ sở phục vụ nền kinh tế ngoài đời thực, tuân thủ sự giám sát tài chính kỹ càng, cũng như quy định và nhận thức về cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới công nghệ và sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này, nhưng kèm theo đó sẽ là một số nguyên tắc, ví dụ đặt tất cả các hoạt động dưới sự giám sát phù hợp với luật pháp và quy định. Hay nói cách khác, dù lớn mạnh đến đâu, các doanh nghiệp công nghệ của nước này cũng phải phục vụ cho chiến lược chung, đồng thời vẫn nằm trong tầm kiểm soát và khuôn khổ pháp lý của chính phủ Trung Quốc.
Tin nổi bật
Tin Video