Cánh đồng Tả Lèng nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 5km, có diện tích rộng hàng trăm ha và nơi đây từng là vựa cây thuốc phiện ở Tây Bắc.
Nhờ chủ trương của Đảng, nhà nước về xóa bỏ cây thuốc phiện, diện tích đất này đã được thay bằng những thửa ruộng bậc thang, với các giống lúa cao sản giá trị hàng hóa cao như: tẻ dâu, séng cù...
Những ngày thu tháng 8 âm lịch này, bà con các dân tộc nhộn nhịp, tấp nập vào vụ gặt trong niềm vui được mùa.
Chị em phụ nữ vùng cao mang sắc áo, váy thổ cẩm cần mẫn đập từng bó lúa theo phương thức canh tác, thu hoạch truyền thống.
Âm thanh thập thình của tiếng lúa va đập với cóng gỗ như một bản giao hưởng hòa ca cùng đất trời, vang vọng khắp các triền núi.
Đa phần lúa tại cánh đồng Tả Lèng được bà con thu hoạch theo phương thức truyền thống, quạt thóc nhờ vào gió trời, phơi khô ngay trên cánh đồng...
...trước khi được đóng bao đưa về nhà bảo quản.
Một vài năm trở lại đây, phương tiện hỗ trợ thu hoạch công nghiệp đã bắt đầu xuất hiện tại cánh đồng Tả Lèng, rút ngắn thời gian, công sức lao động cho bà con nông dân.
Với đồng bào vùng cao Tả Lèng, việc thu hoạch là công việc chung của tất cả các thành viên trong gia đình, từ người già...
...đến thanh niên trai tráng...
... và những phụ nữ đảm đang.
Không phân biệt già, trẻ, trai, gái... chỉ cần có sức khỏe là bất kể ai cũng có thể tham gia thu hoạch lúa.
Niềm vui khi lúa được mùa, báo tín hiệu vui cho một năm no ấm.
Hình ảnh trẻ em theo cha mẹ, rong ruổi trên khắp các cánh đồng, ghi dấu tuổi thơ cùng đàn cào cào, châu chấu là những thước phim không thể thiếu vào ngày mùa trên cánh đồng Tả Lèng.
Kết thúc mùa thu hoạch, bà con địa phương (chủ yếu đồng bào Mông) tổ chức lễ mừng cơm mới, làm lễ tạ ơn trời đất cho mùa màng tốt tươi, cùng nhau liên hoan, thắt chặt tình đoàn kết bản làng, dân tộc.
Vẻ đẹp của ruộng bậc thang ngày mùa và các bản làng thanh bình ở Tả Lèng ngày nay còn được biết đến là một điểm du lịch, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm.