Airbus quyết 'chơi lớn' với máy bay điện
Người khổng lồ hàng không vũ trụ Pháp đang mạnh dạn bước vào thế kỷ mới với thiết kế máy bay chạy hoàn toàn bằng điện CityAirbus NextGen công nghệ eVTOL (cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện).
Thật dễ hiểu khi người ta còn có cái nhìn hoang mang trước bất kỳ thông báo mới nào về những tiến bộ lớn trong phát triển eVTOL (electric vertical takeoff and landing - cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện). Nhưng khi người khổng lồ hàng không vũ trụ Airbus đã “lên tiếng”, thì thật khó để làm ngơ.
Tuần này, tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Airbus ở Toulouse, nhà sản xuất Pháp đã công bố thiết kế cho chiếc máy bay điện thế hệ mới, CityAirbus NextGen eVTOL, cánh cố định với phần đuôi hình chữ V cùng 8 bộ cánh quạt chạy điện.
Một nhóm kỹ sư do Airbus Helicopters dẫn đầu đang thiết kế chi tiết cho mô hình máy bay trên, với mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên với nguyên mẫu vào năm 2023, và đạt chứng nhận về kiểu loại sản phẩm vào năm 2025.
Tiềm năng của máy bay điện rất hấp dẫn: Những chiếc “taxi đường không” có thể cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển ở những khu vực tắc nghẽn giao thông đường bộ, biến một chuyến đi 45 phút từ trung tâm Manhattan đến Sân bay Quốc tế JFK (New York, Mỹ) chỉ còn 5 phút.
Các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm đến công nghệ này, do các siêu đô thị của họ thường phát triển nhanh hơn nhiều so với mức mà cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng.
Máy bay chạy điện hoàn toàn của Airbus có thể chở tối đa 4 hành khách trên các chuyến bay có phạm vi lên đến 80 km và tốc độ 120 km/h.
Thiết kế "giải cứu" các đô thị chật chội
“Chúng tôi đã dành hàng trăm nghìn giờ kỹ thuật, để xem xét tất cả các khía cạnh của thiết kế eVTOL”, ông Joerg Mueller, người đứng đầu Airbus UAM (mảng Cơ động Không người lái của Airbus) nói và lưu ý rằng Airbus đã thực hiện mô hình máy tính trên diện rộng, tiến hành nhiều thử nghiệm ở đường hầm gió với cánh quạt quy mô lớn cũng như thiết lập các băng thử nghiệm để nghiên cứu tiếng ồn.
Chuyên gia Mueller cho biết: “Chúng tôi thậm chí đã bay qua một khu vực đô thị, đo sự lan truyền của âm thanh trong thành phố này và ảnh hưởng của nó đối với những người trên mặt đất… để xem chúng tôi cần tối ưu hóa một phương tiện như vậy đến mức nào”.
Theo ông Mueller, CityAirbus NextGen “không có bề mặt di chuyển và không có bộ phận nghiêng”, điều này làm cho nó “đơn giản và hiệu quả, nhưng vẫn cung cấp khả năng bay đáng kể”.
Ban đầu, máy bay điện của Airbus sẽ được thử nghiệm có phi công, nhưng hãng dự kiến chuyển sang bay tự động khi công nghệ và khuôn khổ hoạt động cho thiết bị tự bay được thiết lập.
Giám đốc điều hành Airbus Helicopters, Bruno Even cho biết: “Chúng tôi đã học được rất nhiều từ các chiến dịch thử nghiệm với hai thiết bị CityAirbus và Vahana. CityAirbus NextGen sẽ kết hợp những gì tốt nhất từ cả hai thiết kế đó, với kiến trúc mới tạo nên sự cân bằng phù hợp giữa cất cánh thẳng đứng và bay".
“Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tạo ra một thị trường hoàn toàn mới, tích hợp bền vững di chuyển hàng không đô thị vào các thành phố trong khi vẫn giải quyết các mối quan tâm về môi trường và xã hội”.
Ông Even thừa nhận rằng những thách thức thực sự là rất lớn, bao gồm hội nhập đô thị, sự chấp nhận của công chúng, quản lý không lưu tự động, cũng như công nghệ cho phương tiện và mô hình kinh doanh.
Với các chuyến bay đô thị, mức độ tiếng ồn thấp là điều cần thiết. Thiết kế của CityAirbus yêu cầu tiếng ồn dưới 65 dB (decibel) khi bay qua và dưới 70 dB khi hạ cánh.
Thiết kế này cũng được tối ưu hóa để mang lại hiệu quả khi cất hạ cánh và bay hành trình, mà không có bất kỳ bề mặt để chuyển động hoặc bộ phận nghiêng nào để xử lý quá trình chuyển đổi này.
Lợi thế của Airbus
Trưởng bộ phận phát triển của Airbus Helicopters, Tomasz Krysinski cho biết công ty của ông có lợi thế quan trọng so với các đối thủ khác. “Chúng tôi là công ty duy nhất trên thế giới đã thử nghiệm một loại phương tiện như vậy ở kích thước thực”, ông Krysinski nói và giải thích rằng, với tất cả các loại máy bay cánh quay, độ phức tạp khi thực hiện nhiệm vụ sẽ tăng lên theo kích thước của phương tiện. “Rất dễ dàng để làm điều gì đó với mô hình ở quy mô nhỏ.”
Airbus dự định xin chứng nhận cho CityAirbus NextGen theo quy tắc Điều kiện Đặc biệt-VTOL của EASA (Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu). Các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Đức như Lilium và Volocopter cũng đang tìm kiếm chứng chỉ kiểu loại phương tiện trên cơ sở tương tự và hy vọng sẽ đạt được vào năm 2024.
Các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên cho nguyên mẫu CityAirbus NextGen dự kiến sẽ diễn ra ở Paris và Munich, mặc dù các giám đốc điều hành của Airbus khẳng định chương trình thử nghiệm sẽ vượt ra ngoài hai thị trường quê hương của hãng là Pháp và Đức.
Và không chỉ những thành phố đông đúc mới được hưởng lợi từ chương trình. Airbus lưu ý rằng họ hy vọng sẽ giúp các đơn vị cứu hộ tình trạng khẩn cấp tiếp cận những khu vực địa hình phức tạp với máy bay điện.
Các hãng hàng không trên thế giới chắc chắn sẽ theo dõi sát sao dự án. Chẳng hạn, Azul gần đây đã chia sẻ rằng họ muốn vận hành 220 chiếc máy bay eVTOL trên khắp Brazil.
Điều quan trọng là với CityAirbus NextGen, tập đoàn hàng không Pháp muốn “biến giấc mơ chuyến bay cá nhân thành hiện thực”.
Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với hai tham vọng này, CityAirbus NextGen có thể cung cấp sự cân bằng hoàn hảo cho Airbus.
Giống như robotaxi, mục tiêu là trong tương lai những chiếc máy bay eVTOL có thể tự điều động bằng máy tính. “Chúng tôi đang nhắm mục tiêu đến chuyến bay tự lái”, ông Mueller cho biết. “Quá trình này sẽ đến dần dần và chúng tôi sẽ giới thiệu nó từng bước để đến một thời điểm nhất định các phương tiện này sẽ bay hoàn toàn tự động. Tất nhiên, từ nay đến lúc đó, chúng sẽ vận hành với một phi công”.