Ai phải trả phí xét nghiệm Covid-19?
Không chỉ các lái xe vận tải tới vùng dịch mà người tới các bệnh viện đều phải xét nghiệm Covid-19 và phải tự trả chi phí xét nghiệm này.
Chênh lệch giá xét nghiệm, không biết hỏi ai
Không chỉ các lái xe vận tải tới các vùng dịch, mà hiện nay ở hầu hết các bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều phải xét nghiệm Covid-19 trước khi vào viện và phải trả phí xét nghiệm.
Trong khi đó, tại các cơ sở y tế mỗi nơi thực hiện xét nghiệm theo một hình thức khác nhau, nơi xét nghiệm test nhanh kháng nguyên (có giá từ 150.000 - 400.000 đồng/mẫu), nơi làm Realtime PCR (giá từ 734.000 - hơn 800.000 đồng/mẫu) khiến nhiều người băn khoăn bởi độ chênh lệch về giá giữa hai hình thức xét nghiệm này.
Xét nghiệm nhanh hay PCR tùy thuộc vào cơ sở y tế
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong đợt dịch mới, Bộ yêu cầu các bệnh viện rà soát chặt chẽ và xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Các đối tượng bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19 gồm bệnh nhân có chỉ định nhập viện điều trị nội trú; người nhà chăm sóc bệnh nhân điều trị nội trú; các bệnh nhân đến thăm khám nhưng có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, bệnh nền hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến vùng dịch… lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm...
Ông Sơn cũng cho biết, hiện Bộ không có quy định về việc xét nghiệm bằng hình thức nào, điều này phụ thuộc vào khả năng của mỗi cơ sở y tế. Do vậy, có thể dùng test nhanh hoặc PCR đơn hoặc cộng gộp mẫu để giảm chi phí.
“Ngoài nhân viên y tế, hiện Bộ yêu cầu các bệnh viện xét nghiệm định kỳ các bệnh nhân ở các khoa, phòng bệnh hô hấp, bệnh mãn tính nặng như bệnh nhân chạy thận…
Đồng thời chi phí tính vào BHYT với bệnh nhân có BHYT và ngân sách Nhà nước. Do Bộ hiện chưa thống nhất, hướng dẫn nên hiện các bệnh viện vẫn áp dụng thu phí xét nghiệm với người chăm sóc bệnh nhân nội trú”, ông Sơn nói.
Chưa chốt nguồn chi trả xét nghiệm
Theo quy định của Bộ Y tế, đối tượng được chỉ định xét nghiệm Covid-19 là những người có ít nhất một trong số các triệu chứng: Sốt, ho, khó thở, đau họng, viêm phổi và có một trong số các yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc gần (trong phạm vi 2m) với người nhiễm Covid-19 hoặc người nghi ngờ nhiễm Covid-19; người nhập cảnh cách ly tập trung; người trở về từ các vùng dịch đang xảy ra tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng; bệnh nhân Covid-19 trong quá trình điều trị; theo chỉ định của bác sĩ/cán bộ điều tra/cơ quan y tế…
Các trường hợp khác căn cứ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch từng địa phương.
Đầu tháng 5, Bộ Y tế đã có văn bản lấy ý kiến Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam để thống nhất về nguồn chi trả xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa chốt lại phương án khiến nhiều cơ sở y tế bị động.