Ai chỉ đạo che giấu doanh thu thực tế tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương?
(VOVTV) - Sáng ngày 15/12, tại TPHCM, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ cùng 18 bị cáo trong sai phạm đấu thầu thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương tiếp tục với phần xét hỏi.
Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX xét hỏi nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên các công ty Đức Bình, Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ. Trong đó có bị cáo Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) - người được bị cáo Hệ giao toàn quyền điều hành hoạt động các công ty do Hệ lập ra.
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ năm 2012 – 2017, Phạm Văn Diệt đã nhiều lần cùng Đinh Ngọc Hệ đến Tổng Công ty Cứu Long để tiếp cận, tham gia mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Bị cáo Diệt biết rõ hành vi làm giả hồ sơ năng lực tài chính của công ty Yên Khánh để được công nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá, nhưng vẫn đại diện công ty Yên Khánh tham gia đấu giá theo sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Phạm Văn Diệt khai chủ trương gian dối, che giấu doanh thu để chiếm đoạt tiền thu phí của Nhà nước là do ông Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo. Bị cáo Diệt trình bày ban đầu chỉ can thiệp bằng phương pháp thủ công nhưng do doanh thu quá cao, nên sau này ông Hệ mới chỉ đạo mua, sử dụng phần mềm của công ty Xuân Phi để che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt tiền thu phí.
Theo bị cáo Diệt, việc tổ chức thuê người viết phần mềm để can thiệp cắt giảm doanh thu do bị cáo Tô Phước Hùng (Kế toán Trường Công ty Yên Khánh) cùng một số người thực hiện.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Hiền - nguyên Giám đốc Công ty Xuân Phi không đồng tình với một số nội dung cáo trạng cáo buộc. Bị cáo Hiền khai rằng bản thân và công ty Yên Khánh không có thỏa thuận mua bán phần mềm để phục vụ mục đích giảm doanh thu, mà chỉ nhận được cuộc gọi của bị cáo Tô Phước Hùng (Kế toán Trường Công ty Yên Khánh) nhờ viết phần mềm cài đặt thay đổi số seri vé.
Cả 3 lần nhận yêu cầu từ công ty Yên Khánh bị cáo Hiền đều giao cho bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân (nhân viên Công ty Xuân Phi) viết phần mềm.
Bị cáo Hoàng Tô Hạnh Vân cũng khẳng định bản thân làm công ăn lương chỉ viết phần mềm theo sự chỉ đạo, giao việc của Hiền chứ không biết mục đích sử dụng của Công ty Yên Khánh đối với phần mềm này.
Các bị cáo khác nguyên là nhân viên Công ty Yên Khánh gồm: Nguyễn Thị Kim Huệ (kế toán), Trần Văn Miền (Phó Giám đốc), Tạ Đức Minh (thủ quỹ)… đều thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng làm sự chỉ đạo của cấp trên chứ không được hưởng lợi gì.
Trước đó, trong phiên xét hỏi chiều 14/12, bị cáo Vũ Thị Hoan (gọi Đinh Ngọc Hệ bằng cậu) khai chỉ giữ chức Giám đốc Công ty Yên Khánh và là người đại diện theo pháp luật trên hồ sơ.
Thực tế bị cáo Hoan không tham gia góp vốn, không tham gia Hội đồng quản trị công ty này. Việc điều hành hoạt động công ty Yên Khánh đều được ông Hệ giao cho bị cáo Phạm Văn Diệt.