Ai Cập nỗ lực lưu thông hàng hải qua kênh Suez
(VOVTV) - Liên quan tới tàu chở hàng khổng lồ mắc kẹt chắn ngang kênh đào Suez của Ai Cập, ngày 25/3, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã công bố một số phương án có thể giải cứu con tàu đang làm gián đoạn hoạt động lưu thông hàng hải qua kênh này.
Các hoạt động cứu hộ và làm nổi tàu khổng lồ chặn kênh đào Suez đang được tiến hành. Hiện nay, nhiều phương án và giải pháp vẫn đang được bàn thảo. Phương án mới nhất mà cơ quan quản lý kênh đào Suez và đội cứu hộ hàng hải Hà Lan đưa ra là khoan xung quanh con tàu mắc kẹt để làm nổi tàu cùng với đó là nạo vét xung quanh tàu.
Trước đó, phương án đầu tiên được đưa ra là kéo tàu từ cả hai phía bằng cách sử dụng một số tàu kéo khổng lồ có sức kéo mạnh mẽ. Theo đó, cơ quan quản lý kênh đào Suez sẽ tiến hành kéo và đẩy tàu bằng 8 tàu lai dắt lớn, với tàu lớn nhất có sức kéo 160 tấn. Trở ngại duy nhất trong cách tiếp cận này là vị trí của thiết bị cứu hộ để thực hiện các nỗ lực đẩy và kéo.
Giải pháp thứ hai là triển khai tàu cuốc để dọn sạch cát và bùn dưới mũi tàu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kịch bản này cũng không dễ và không biết mất bao bao lâu vì phụ thuộc vào việc con tàu bị kẹt vào đất sét và cát hoặc có thể là đá.
[Xem thêm: Vì sao một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng?]
Các chuyên gia cũng tính tới phương án dỡ các container trên tàu xuống để giảm trọng lượng nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, việc dỡ hàng cũng phải mất một tháng tới 45 ngày do con tàu có trọng tải lớn và cao hơn 52 mét, chi phí này cũng sẽ rất cao.
Các chuyên gia cảnh báo, các kế hoạch trục vớt chưa được triển khai sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie tuyên bố hoạt động hàng hải sẽ tiếp tục bị đình chỉ cho đến khi việc cứu hộ hoàn thành.
Tàu MV Ever Given bị mắc kẹt và chắn ngang kênh Suez vào sáng 23/3 do tầm nhìn thấp và điều hướng kém vì bão cát mạnh và sức gió 40 hải lý. Sự tắc nghẽn tiếp tục cản trở tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nối châu Á và châu Âu.
Hiện nay, các tàu bị mắc kẹt ở Suez hoặc đang neo đậu chờ quá cảnh đã tăng lên 213 tàu. Các tàu này bao gồm 63 tàu chở hàng rời, 28 tàu chở dầu thô và một tàu sân bay LNG. Vụ việc ảnh hưởng nặng nề đến thị trường dầu mỏ.
Tin nổi bật
Tin Video