Agribank hướng tín dụng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Sáng ngày 03/3/2024, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ tổ chức gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì chương trình.
Tại cuộc gặp mặt, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV đã báo cáo Thường trực Chính phủ về một số kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cũng như các định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước với sứ mệnh phục vụ "Tam nông", Agribank luôn chủ động, tiên phong, gương mẫu, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Kết thúc năm 2023, quy mô tổng tài sản của Agribank đạt trên 2 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 1,88 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt gần 65%. Phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, trong năm 2023, Agribank dành 500 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, hỗ trợ xây dựng trường học, đầu tư lĩnh vực y tế. Dịp Tến Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Agribank dành hơn 100 tỷ đồng trao quà, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đón Tết.
Nhận định năm 2024, tình hình quốc tế vẫn nhiều mảng xám, diễn biến phức tạp, khó đoán định, kéo theo nhiều hệ luỵ; nhiều nền kinh tế lớn gặp rất nhiều khó khăn trong tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát, thậm chí đang có những dấu hiệu suy thoái, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, chính điều này đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện, do đó vốn tín dụng đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng.
Gia tăng khả năng tiếp cận vốn, ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ chủ động cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn đã đưa ra một số kiến nghị liên quan tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, giải pháp… với mong muốn góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước", có vị trí then chốt, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hoạt động năm 2024 mặc dù còn rất nhiều khó khăn thách thức phía trước, nhưng với sự quan tâm, đồng hành, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị- xã hội, đặc biệt hàng chục triệu khách hàng, đối tác, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng cao nhất của toàn hệ thống, Agribank phấn đấu tiếp tục hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, làm tiền đề triển khai và hoàn thành Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Đề án chiến lược kinh doanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ hiện đại, hướng đến mục tiêu Ngân hàng số, tiếp tục khẳng định vị trí then chốt trong nền kinh tế, khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.
Tin nổi bật
Tin Video