Viết là một phương pháp chữa lành hữu hiệu nhất
Lịch sử cho thấy những nhà văn đau khổ nhất là những người có tác phẩm hay nhất...
Vì đang sống trong ước mơ của mình, tôi cảm thấy bản thân không việc gì phải buồn lâu trước những sự việc không như ý. Ảnh: Internet
Admin ơi, ước mơ của bạn là gì? Và ước mơ của tôi khởi đầu từ chiếc email này...
Một ngày đầu năm 2017, tôi quyết định sẽ rời tờ báo Thể thao rất có tiếng, đặt dấu chấm hết cho chặng đường làm báo của mình, để tìm kiếm những cơ hội mới. Tôi luôn nhớ một câu nói của đạo diễn Trần Anh Hùng, muốn rời bỏ vùng an toàn, cách duy nhất là phải chặt cầu. Để không còn đường quay lại, tôi nộp đơn xin nghỉ ngay khi chưa tìm được việc làm mới.
Thời gian ấy, CJ có tuyển vị trí PR Manager. Tôi mới nộp đơn xin việc. Qua 3 vòng phỏng vấn, tôi được vào gặp Giám đốc của CJ Việt Nam là ông Jung Tae Sun. Sau khi đã deal xong lương, ông nói tôi về viết kế hoạch PR cho bộ phim sắp ra lúc đó của CJ là "Cô gái đến từ hôm qua". Trước khi tôi về, bỗng dưng ông hỏi tôi một câu thật vu vơ (hay không vu vơ):
- So, Bình, what's your dream?
Câu hỏi ấy đã trở đi trở lại trong đầu tôi suốt một tuần lễ sau đó, và tôi quyết định sẽ từ bỏ công việc PR Manager để dấn thân vào một hành trình gian nan hơn: trở thành một người viết kịch bản, một người kể chuyện.
Đó chính là câu thoại mà tôi đã nhờ nhân vật Thu Quỳnh nói hộ mình trong "Tiệc trăng máu". Câu đó, nguyên văn trong kịch bản, như sau:
- Em phải làm đến mức này anh mới chịu nhìn em hả? Anh coi em có còn ra một con người không? Em bỏ hết mọi sở thích, mọi mối quan hệ. Chỉ ráng làm vợ của anh, mẹ của các con, dâu ngoan của bà Tư. Em như một con nô lệ trong nhà, không một lời oán thán. Rồi một hôm, có người gửi tin nhắn vào fanpage và hỏi: "Admin ơi, ước mơ của bạn là gì?". Em nghĩ: thằng nào hỏi câu ngớ ngẩn vậy chứ. Nhưng rồi nó cứ trở đi trở lại trong đầu em. Và em biết là em muốn viết, vì nó giúp em thoát khỏi thực tại mệt mỏi này. Những lúc viết, em thấy mình được sống.
Hôm nay tôi ráng gượng dậy nấu một tô mì sau một đêm sốt cao. Tô mì ấy rớt xuống đất và tôi đã mất bữa trưa của mình. Và giữa cơn đói trộn với cơn bực mình vì mất ăn, tôi quyết định phải viết ra gì đó.
Mấy ngày hôm nay, tôi nhận được inbox chửi bới và dọa giết của một số lượng khá đông fan Man United, vì có ai đó đã cắt cúp một câu nói đùa của tôi trên chương trình "Đội tuyển tôi yêu", kéo ra khỏi ngữ cảnh và lồng cho nó một hàm ý miệt thị. Tôi cũng nhận được ảnh chụp màn hình của vài người bạn cũ nói những lời không hay về tôi, dù họ đã block tôi và tuyên bố chả thèm quan tâm đến tôi. Nếu là tôi của nhiều năm trước, có lẽ tôi sẽ bực bội, lo âu hay sợ hãi. Nhưng giờ tôi để mọi việc trôi qua một cách nhẹ nhàng (dù thú thật vẫn tò mò ai là người kích động đám đông hung hãn kia). Tôi nghĩ sự điềm tĩnh ấy xuất phát từ câu hỏi của ông Tae Sun: ước mơ của bạn là gì?
Kể từ sau câu hỏi ấy, cuộc sống của tôi không bao giờ như trước được nữa. Sau khi từ chối vị trí PR Manager, tôi đăng ký thi vào một workshop viết kịch bản của CJ, do anh Phan Gia Nhật Linh hướng dẫn. Sau ba năm, có lẽ anh Linh rất vui vì đứa học trò ngáo ngơ năm nào đã cùng anh làm nên "Tiệc trăng máu", dưới sự dẫn đắt của một người anh, người bạn khác của chúng tôi: anh Nguyễn Quang Dũng.
Trong suốt ba năm kể từ khi viết mail cho ông Tae Sun, tôi đã lao đầu vào viết. Rõ ràng cách duy nhất để có thể viết hay là viết ngay. Rất nhiều bạn trẻ hỏi tôi về viết thể thao, phỏng vấn, viết tự truyện hay viết kịch bản, tôi cũng chỉ có thể nói với họ là đừng học, đừng hỏi gì nữa, viết ngay thôi.
Trần Nghiêu Tư làm quan dưới thời nhà Tống có tài nghệ bắn tên bách phát bách trúng nên lấy làm kiêu ngạo lắm. Một hôm ông đang tập bắn tên trong nhà thì có một người bán dầu đi ngang qua, ngó vào và nói: "Thế thì có gì hay mà kiêu ngạo". Nghiêu Tư mới sai người lôi đầu anh bán dầu vào và quở: "Người có biết ta luyện tập bao nhiêu mới được tuyệt kỹ này chăng mà dám nói là không có gì hay ho?". Người bán dầu mới thủng thẳng lấy ra một cái chai, bỏ một đồng xu đục lỗ lên nắp chai rồi lấy muỗng dầu đổ vào trong chai. Dầu đi qua cái lỗ trong đồng xu mà không hề vấy lên đồng xu, cũng không vương vãi ra ngoài một giọt nào. Rồi y mới hỏi quan Nghiêu Tư:
- Thế ngài làm vậy được chăng?
Nghiêu Tư tất nhiên không làm được. Người bán dầu mới nói:
- Tôi đã tập việc này cả vạn lần, cũng như ngài tập bắn tên cả vạn lần. Tất cả đều là quen tay, không có gì hay ho cả.
Việc viết lách, trong chừng mực nào đó, cũng giống như việc bắn tên hay rót dầu nêu trên. Chẳng có cách nào thành thục ngoài việc phải làm ngay. Và càng viết sẽ càng nhận ra: viết là một phương pháp chữa lành hữu hiệu nhất. Lịch sử cho thấy những nhà văn đau khổ nhất là những người có tác phẩm hay nhất. J.K.Rowling nghèo rớt mồng tơi và là nạn nhân của bạo hành gia đình, Nguyễn Du và Lev Tolstoy là những người lạc lõng giữa thời cuộc, Vladimir Nabokov sống đời lưu vong, Marcel Proust thì suốt đời đau bệnh… Và họ đã viết, vì viết thật sự giúp họ được sống.
Khi viết, tôi thật sự thấy mình được xoa dịu và an ủi. Tôi thấy những nhân vật hiện lên rõ ràng, với những điểm mạnh và điểm yếu, mục tiêu và ước mơ, hạnh phúc và tuyệt vọng. Nếu Balzac nói nhà văn là thư ký của thời đại thì có lẽ biên kịch cũng là một kiểu thư ký của cuộc sống. Họ cặm cụi ghi lại hành động và lời thoại của nhân vật, để rồi một hôm, mỉm cười nhìn nhân vật nói thay tâm sự kín đáo của mình.
Và vì đang sống trong ước mơ của mình, tôi cảm thấy mình không việc gì phải buồn lâu trước những sự việc không như ý. Vì tôi đã có một chiếc máy tính và một trang mới của Word đang sẵn sàng mở ra rồi. Còn các bạn, ước mơ của các bạn là gì?