9/10 phụ nữ Hàn bị trả thù sau khi tố cáo nạn quấy rối
Vài năm gần đây, phụ nữ Hàn dần có tiếng nói hơn khi bảo vệ bản thân khỏi hành vi quấy rối tình dục. Song thói gia trưởng ăn sâu, công ty thờ ơ khiến các nỗ lực mới như muối bỏ bể.
Ở xứ kim chi, chỉ 4/10 nạn nhân từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc dám lên tiếng về sự việc và vạch mặt thủ phạm. Trong số những người đã làm vậy, có đến 9/10 người phải chịu các hành động trả đũa như bắt nạt hoặc sa thải, theo Korea Herald.
Ngày 31/1, Workplace Abuse 119, một tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc, công bố kết quả phân tích thu thập được từ 364 trường hợp bị quấy rối tình dục nơi công sở kể từ tháng 11/2017. Trong số đó, 83,2% là phụ nữ.
Trong số các nạn nhân tìm đến tổ chức để được giúp đỡ có 136 người, tương đương 37,4%, từng cố nộp đơn tố cáo hoặc chính thức lên tiếng tại nơi làm việc về điều mình phải trải qua.
Hầu hết kẻ đứng đằng sau những hành vi sàm sỡ, đụng chạm là người có chức vụ và quyền lực trong công ty, khiến nạn nhân e sợ bị trả thù hoặc chịu điều tiếng, bất công nếu tiếp tục làm việc.
Theo phân tích, thủ phạm ở vị trí công việc cao hơn nạn nhân trong 89% tổng số trường hợp được báo cáo.
90,4% nạn nhân cho hay mình vẫn phải chịu hậu quả sau khi hành vi quấy rối tình dục chấm dứt. Gần 53% bị bắt nạt, cô lập, thuyên chuyển sang vị trí khác hay trở thành chủ đề đàm tiếu tại công ty. Trong trường hợp tệ hơn, họ bị đuổi việc dù không mắc lỗi gì.
Gần 40% số người được hỏi cảm thấy những lời kêu cứu, xin hỗ trợ trong công ty bị phớt lờ.
"Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải do ngẫu nhiên, cũng không phải do nạn nhân làm điều gì đó sai trái hay có quan hệ mờ ám với ông chủ", luật sư Yoon Ji-young, một trong những người thực hiện báo cáo cho biết.
Theo vị luật sư, vấn nạn này nghiêm trọng bởi tổng hòa những nguyên do, bao gồm lạm dụng quyền lực tại nơi làm việc, quan hệ bất bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động, các công ty từ chối đảm bảo quyền lao động còn chính phủ làm ngơ.
Để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục liên quan đến công việc, tổ chức Workplace Abuse 119 kêu gọi "dân chủ hóa" nơi làm việc và xóa bỏ phân biệt đối xử dựa trên thứ bậc trong công ty.
Tổ chức này đề nghị chính phủ Hàn Quốc chủ động hơn trong việc giải thích và thực hiện các luật liên quan, đồng thời cải thiện luật. Trách nhiệm của công ty trong việc ngăn chặn quấy rối tình dục tại văn phòng cũng cần thay đổi.
Năm 2018, phụ nữ Hàn Quốc đồng loạt đứng lên đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở và vạch trần một số nhân vật cao cấp vì lạm dụng tình dục. Sự nổi lên của phong trào #MeToo đã góp phần ảnh hưởng đến văn hóa "thâm căn cố đế" vốn tồn tại lâu dài tại xứ củ sâm.
Tuy nhiên, những vấn đề cố hữu như bất bình đẳng giới, thói gia trưởng ăn sâu của đàn ông, hệ thống luật pháp lỏng lẻo khiến các nỗ lực thay đổi mới chỉ như "muối bỏ bể".
Tin nổi bật
Tin Video