Tin tức

800 tội phạm trên toàn cầu bị bắt giữ vì dùng ứng dụng bẫy của FBI

Hơn 800 nghi phạm trên toàn cầu đã bị bắt giữ sau khi số này rơi vào bẫy, sử dụng một ứng dụng nhắn tin mã hóa do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nắm giữ.

08/06/2021 20:09

Đây là chiến dịch do FBI và Cảnh sát Australia lên kế hoạch, mang mật danh Ironside, nhằm vào tội phạm ma túy và những đối tượng có liên quan đến băng đảng Mafia.

Điểm then chốt của kế hoạch này chính là việc cảnh sát và lực lượng thực thi pháp luật đã bí mật cài cắm được một ứng dụng trong giới tội phạm, từ đó giám sát nội dung nhắn tin, thư thoại về hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền, thậm chí là cả âm mưu giết người.

800 tội phạm trên toàn cầu bị bắt giữ vì dùng ứng dụng bẫy của FBI - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) tại buổi họp báo công bố thông tin về chiến dịch Ironside giúp bắt giữ hàng trăm tội phạm trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng chiến dịch này đã giáng một đòn mạnh vào tội phạm có tổ chức trên toàn thế giới. Còn cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) thì nhìn nhận đây là chiến dịch lớn nhất, “thành công mỹ mãn” mà lực lượng thực thi pháp luật thực hiện đánh vào thông tin mã hóa mà tội phạm sử dụng.

FBI dự kiến sẽ sớm công bố thông tin chi tiết về kế hoạch này.

Mọi chuyện được khởi đầu từ việc FBI tháo dỡ hai thiết bị mã hóa khác hồi năm 2018. Từ đây, FBI lập ra công ty thiết bị mã hóa có tên gọi ANOM. Lúc đầu, chỉ có một số ít chóp bu trong mạng lưới tội phạm sử dụng ANOM, nhưng chính điều này khiến số còn lại cảm thấy tin tưởng hơn và ANOM được phân phối rộng trong giới tội phạm có tổ chức.

800 tội phạm trên toàn cầu bị bắt giữ vì dùng ứng dụng bẫy của FBI - Ảnh 2.

Vũ khí được lực lượng chức năng thu giữ trong chiến dịch Ironside. Ảnh: Cảnh sát Australia

Cụ thể, một đặc vụ đã giới thiệu Hakan Ayik, một trùm buôn lậu ma túy tại Australia, thiết bị mã hóa này. Chính Ayik là người đã đi quảng bá ứng dụng này trong giới tội phạm mà không hay biết gì về khả năng bị theo dõi. Tổng cộng đã có tới 12.000 thiết bị mã hóa dạng này được lưu hành trong 300 băng đảng tội phạm ở hơn 100 nước trên thế giới. Từ đây, cảnh sát các nước có thể đọc hàng triệu tin nhắn theo thời gian thực về các kế hoạch giết người, buôn bán ma túy cùng nhiều âm mưu khác.

Theo Giám đốc cảnh sát Liên bang Australia Reece Kershaw, thông qua những tin nhắn này, cảnh sát đã ngăn chặn nhiều vụ buôn bán ma túy và các vụ việc khác như xả súng hàng loạt. Ông khẳng định đột nhập truy cập ứng dụng mã hóa truyền tin đã mang lại cho cơ quan thực thi pháp luật lợi thế chưa từng có và là điểm then chốt để đánh sập các băng đảng có tổ chức.

Ý kiến của bạn