Thế giới

75 năm phiên tòa Nuremberg, công tố viên cuối cùng còn sống vẫn không ngừng truyền tải thông điệp hòa bình

Tròn 100 tuổi, chứng kiến những tội ác dã man nhất trong lịch sử nhân loại, công tố viên cuối cùng của phiên tòa Nuremberg còn sống vẫn là một người lạc quan và luôn kêu gọi hòa bình.

Tác giả Lương Anh (biên dịch)  -  
22/11/2020 15:41

Người đặt nền móng cho phiên tòa xét xử Đức Quốc xã tại Nuremberg

Benjamin Ferencz, người đón sinh nhật lần thứ 100 vào tháng 3 năm nay, cho tới giờ cơ bản vẫn là một người lạc quan. Dù ông đã phải chứng kiến sự tàn bạo của chiến tranh tại Nuremberg nhưng cái nhìn của ông về cuộc sống không vì thế mà ảm đạm.

75 năm phiên tòa Nuremberg, công tố viên cuối cùng còn sống vẫn không ngừng truyền tải thông điệp hòa bình - Ảnh 1.

Công tố viên cuối cùng của phiên tòa xét xử tội ác Đức quốc xã Nuremberg

Khóc không giải quyết được gì. Nếu bạn khóc trong lòng thì hãy cười trên gương mặt. Những lời này ông nói trong lời giới thiệu cuốn sách "Parting Words: 9 Lessons for a Remarkable Life", tạm dịch:"Những lời từ biệt: 9 bài học để có một một cuộc đời đáng nhớ" viết về ông, sẽ xuất bản vào ngày 31/12/2020.

Nhờ Ferencz, các công tố viên tại phiên tòa Nuremberg, khai mạc ngày 20/11/1945, đã có đủ bằng chứng về các tội ác của Đức Quốc xã. Những bằng chứng ấy được sử dụng để chống lại các quan chức cấp cao trong bộ máy của Hitler, những kẻ tội phạm chiến tranh, trong đó có những cái tên khét tiếng như Hermann Göring, Rudolf Hess, Baldur von Schirach...

"Không có Ferencz, phiên tòa này không thể diễn ra," nhà sử học Axel Fischer, chuyên nghiên cứu về phiên tòa Nuremberg nói.

Ký ức không quên của công tố viên trẻ

Những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai, Benjamin Ferencz khi đó 25 tuổi, đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ được được giao nhiệm vụ thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh của nước Đức dưới thời Adolf Hitler.

75 năm phiên tòa Nuremberg, công tố viên cuối cùng còn sống vẫn không ngừng truyền tải thông điệp hòa bình - Ảnh 2.

Công tố viên Benjamin Ferencz tại phiên tòa xét xử Einsatzgruppen ở Nuremberg

Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm công tố viên của tòa án quân sự Hoa Kỳ ở Nuremberg, miền nam nước Đức, xét xử 22 thành viên Einsatzgruppen - tổ chức bán quân sự tử thần đã tàn sát khoảng một triệu người, hầu hết là người Do Thái.

Trong quá trình điều tra thu thập thông tin, ông tìm thấy các báo cáo mật là bằng chứng về việc các thành viên của Einsatzgruppen đã tiến hành các vụ giết người hàng loạt.

Ông nhớ lại: "Tôi đã trực tiếp chứng kiến những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, một cách rất gần. Có rất ít người được thấy những gì tôi đã chứng kiến. Tôi đã thấy rất nhiều xác chết nằm la liệt trên sàn nhà và hàng dòng người chen chúc trước lò hỏa thiêu."

Phòng xử án ở Nuremberg sau phiên tòa đã được giữ lại làm nơi tham quan để nhắc nhở mọi người về những tai họa mà chiến tranh gây ra với nhân loại. Đến phòng xử án này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nơi đã diễn ra tổng cộng 216 phiên xử 24 bị cáo Đức Quốc xã trong gần 1 năm.

75 năm phiên tòa Nuremberg, công tố viên cuối cùng còn sống vẫn không ngừng truyền tải thông điệp hòa bình - Ảnh 3.

Thẩm phán Robert H. Jackson, công tố viên trưởng Hoa Kỳ, phát biểu trước Tòa ngày 21/11/1945

Phán quyết đối với 22/24 bị cáo được đưa ra (hai phán quyết còn lại không được tuyên bố do một người đã tử tự trong buồng giam, còn một người không đủ sức khỏe tinh thần). 12 bị cáo lĩnh án tử hình, trong đó có Hermann Göring, Tư lệnh Không quân kiêm lãnh đạo Mật vụ Gestapo. Các bị cáo còn lại bị kết án từ 10 năm tù giam đến chung thân.

"Tại phiên tòa Nuremberg, chúng tôi không tìm cách kết án tất cả người Đức. Chúng tôi kết án những kẻ phạm tội chống lại nhân loại và những hành vi quá man rợ. Đấy là thế giới mà tôi trưởng thành và tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo tôi sẽ nhận ra rằng đó là sự kinh hoàng và phải tránh lặp lại bằng mọi giá," công tố viên Ferencz hồi tưởng và nhắn nhủ.

Người vận động miệt mài cho sự ra đời của Tòa án Hình sự Quốc tế

Phiên tòa Nuremberg được coi là tiền thân của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) La Haye, Hà Lan, tòa án xét xử tội phạm diệt chủng, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội xâm lược.

Ông Ferencz đã vận động trong nhiều thập kỷ để thành lập ICC, và để tòa đưa ra bản phán quyết đầu tiên sau 10 năm thành lập tại phiên tòa xét xử thủ lĩnh chiến tranh Congo Thomas Lubanga, vào năm 2012. Ông luôn tâm niệm, luật pháp tốt hơn chiến tranh. Luật phải, chứ không phải chiến tranh, là câu trả lời cho một thế giới hòa bình.  

Ông Ferencz sinh ngày 11/3/1920 trong một gia đình Do Thái nghèo ở Hungary. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), quê hương ông trở thành lãnh thổ của Rumania. Do phong trào bài Do Thái ở đây gia tăng, gia đình ông đã phải sang Mỹ, sống ở khu vực nghèo nhất và có tỷ lệ tội phạm cao nhất ở thành phố New York. Tuy lớn lên trong môi trường đầy rẫy trộm cắp, băng đảng tội phạm nhưng Ferencz vẫn trở thành học sinh xuất sắc và được nhận học bổng vào học tại Đại học Harvard.

Sau khi nghỉ hưu, ông Ferencz vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu thúc đẩy hòa bình. Ông đã được trao Giải thưởng Erasmus, giải thưởng dân sự cao quý nhất của Chính phủ Đức và được Chính phủ Hungary ghi nhận những đóng góp trong suốt cuộc đời ông.

Ý kiến của bạn