Tin tức

6 tuần sau xung đột Ukraine, EU mới xoá ‘lỗ hổng’ bán vũ khí cho Nga

Liên minh châu Âu đã cấm bán vũ khí, đạn dược cho Nga từ tháng 7/2014, nhưng vẫn để một “lỗ hổng” cho phép các hợp đồng ký trước tháng 8/2014.

15/04/2022 09:17

Đài RT (Nga) dẫn lại nguồn từ hãng tin Reuters cho biết, theo lời kêu gọi từ Ba Lan và các nước Baltic, Liên minh châu Âu đã lặng lẽ xóa bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt cho phép các nhà sản xuất vũ khí của EU vẫn kinh doanh với Nga kể từ sau sự kiện sáp nhập Crimea.

Brussels đã chặn xuất khẩu vũ khí và đạn dược sang Nga vào tháng 7/2014, với lý do Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau sự kiện Maidan do phương Tây hậu thuẫn. Tuy nhiên, một điều khoản trong lệnh cấm vận này vẫn cho phép châu Âu bán hàng cho Nga theo các hợp đồng đã ký trước tháng 8/2014.

Theo Reuters, các nhà sản xuất vũ khí của Pháp và Đức đã tận dụng “kẽ hở” này để kiếm hàng triệu USD mỗi năm. Ủy ban châu Âu trích dẫn các dữ liệu cho biết các nước thành viên EU đã bán cho Moskva số vũ khí và đạn dược trị giá 39 triệu euro (42,3 triệu USD) vào năm 2021, tăng so với mức 25 triệu euro vào năm 2020 - mà Reuters cho biết là ngang bằng với các năm trước.

6 tuần sau xung đột Ukraine, EU mới xoá ‘lỗ hổng’ bán vũ khí cho Nga - Ảnh 1.

6 tuần sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, EU mới xóa bỏ ngoại lệ bán vũ khí cho Nga

Mãi cho đến tuần trước, các chính phủ EU mới đồng ý loại bỏ điều khoản miễn trừ, sau khi vấp phải những "chỉ trích mới" từ các quốc gia như Ba Lan và Litva. Thông tin này được "các nhà ngoại giao đã tham dự cuộc họp" giấu tên cho biết.

Điều khoản miễn trừ trong lệnh cấm thương mại vũ khí với Nga không xuất hiện trong các tài liệu được công bố vào ngày 8/4 vừa qua, vốn nêu chi tiết về gói trừng phạt thứ năm của EU đối với Moskva. EU cũng không đề cập đến việc xóa bỏ "lỗ hổng" này trong tuyên bố công khai về loạt lệnh cấm vận mới.

Một nhà ngoại giao suy đoán rằng lệnh cấm đã được đưa ra khỏi thông cáo báo chí để tránh gây chú ý đến hoạt động buôn bán vũ khí mà một số nước EU đã thực hiện với Nga bất chấp lệnh cấm vận vũ khí đã được áp đặt từ năm 2014. Ví dụ, một cuộc điều tra báo chí của Disclose cho thấy Bộ Quốc phòng Pháp đã bán thiết bị quân sự trị giá 152 triệu euro cho Moskva từ năm 2015 đến năm 2020. Các thiết bị được bán bao gồm camera nhiệt cho xe tăng và cảm biến hồng ngoại cho máy bay chiến đấu và trực thăng.

Theo tờ Politico, lệnh cấm xuất nhập khẩu vũ khí mới nhất được nêu trong Điều 2 của gói trừng phạt thứ 5, quy định cấm cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, xuất khẩu hoặc bán vũ khí, đạn dược, thiết bị, xe quân sự và phụ tùng cho Nga.

Lệnh cấm mở rộng đối với các dịch vụ khác trong thị trường quân sự, chẳng hạn như dịch vụ môi giới và hỗ trợ kỹ thuật. Việc tài trợ cho các hoạt động quân sự với Nga, thông qua các khoản viện trợ, cho vay, bảo hiểm hoặc bảo lãnh cũng bị cấm.

Một trong những nhà ngoại giao giấu tên được tờ Politico dẫn lời cho biết: “Đó là việc bịt các kẽ hở để tránh việc né các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng”.

Nhưng theo phát ngôn viên của phái bộ Litva tại EU, một phần của ngoại lệ trên vẫn tồn tại. Các nước thành viên EU vẫn có thể gửi vũ khí do Nga sản xuất tới Nga để sửa chữa, trước khi chúng được trả lại cho họ.

Mỹ, EU và NATO đã điều động các hệ thống vũ khí do Liên Xô và Nga sản xuất để tái trang bị cho Ukraine trong những tuần gần đây, với việc Slovakia gửi hệ thống phòng không S-300 tới Kiev sau khi Washington hứa sẽ đổi cho họ bằng hệ thống Patriot.

Tuy nhiên, hệ thống phòng không mà Slovakia viện trợ đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr của Nga trước khi nó được đưa vào sử dụng -theo tuyên bố ngày 12/4 của quân đội Nga.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn