54 người đã chết trong biểu tình Myanmar, Mỹ kêu gọi Trung Quốc hành động
Mỹ tiếp tục gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar bằng các lệnh trừng phạt, đồng thời kêu gọi Trung Quốc hành động để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar sau đảo chính.
AFP dẫn thông tin từ Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet ngày 4/3 cho biết, đến nay ít nhất 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar, trong khi hơn 1.700 người bị bắt giữ.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho rằng, con số thương vong thực tế có thể còn cao hơn nữa. Trong đó, ngày 3/3 là "ngày đẫm máu nhất" kể từ sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng trước, với 38 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng giải tán biểu tình.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/3 ra thông cáo nói rằng: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước cùng chung tiếng nói lên án bạo lực nhằm vào người dân ở Myanmar".
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng một lần nữa kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình ở Myanmar để giúp khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc trao đổi về tình hình Myanmar kể từ sau đảo chính ngày 1/2. "Chúng tôi hối thúc Trung Quốc đóng vai trò tích cực, dùng ảnh hưởng của họ với quân đội Myanmar để chấm dứt cuộc đảo chính ở đây", ông Price nhấn mạnh.
Trung Quốc tháng trước đã ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án đảo chính ở Myanmar với lý do coi đây là "việc nội bộ" của Myanmar.
Trung Quốc có "quan hệ hữu nghị" với cả quân đội và chính quyền dân sự Myanmar. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang rơi vào tình huống khó xử bởi nếu lên án đảo chính và quân đội Myanmar có thể làm tổn hại đến các lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc ở Myanmar.
Kêu gọi Trung Quốc hành động được Mỹ đưa ra cùng ngày khi Washington công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quân đội Myanmar.
Theo đó, Mỹ hạn chế xuất khẩu và tái xuất khẩu các hàng hóa trong danh mục quản lý xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ cho Bộ Quốc phòng Myanmar, Bộ Nội vụ Myanmar và hai tổ chức kinh tế có liên quan đến quân đội Myanmar.
Mỹ cũng hạn chế xuất khẩu các hàng hóa bị nghi ngờ dùng cho mục đích quân sự ở Myanmar. Giới chức Washington nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động cứng rắn với quân đội Myanmar để buộc họ trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.
Tin nổi bật
Tin Video