5 vấn đề giáo dục gây tranh cãi lớn nhất trong năm 2020
Ý kiến bán trường chuyên, bỏ sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều, tổ chức xét tốt nghiệp THPT... là những vấn đề giáo dục gây tranh cãi nhất trong năm 2020.
Năm 2020 với nhiều thử thách căm go do dịch Covid-19 bùng phát nhưng ngành giáo dục đã để lại nhiều dấu ấn lớn bởi những ứng biến linh hoạt, có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề khiến dư luận chưa thực sự đồng thuận.
Trong năm qua có nhiều vấn đề giáo dục đã nhận được sự tranh luận sôi nổi thậm chí cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Điều này phản ánh lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực "nóng", gắn liền với mọi gia đình cũng là vấn đề "quốc sách" nên được nhiều người quan tâm.
Có rất nhiều vấn đề, sự kiện thu hút sự tranh luận lớn của dư luận, 5 vấn đề giáo dục sau đây Báo Nhà báo & Công luận cho rằng đã thu hút nhiều nhất những ý kiến trái chiều trong năm 2020.
1. Đóng cửa trường học để chống Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019 thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Cuối năm 2019 trên một số diễn đàn mạng xã hội Việt Nam các thông tin về dịch bệnh này được bắt đầu cập nhật. Cho đến thời điểm giữa tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 2020, khi Việt Nam xuất hiện 10 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trong đó có những ca bệnh trong cộng đồng thì nỗi lo lắng về sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19 đã nóng lên từng ngày.
Từ thời điểm đó đã nảy ra tranh luận gay gắt về việc có hay không phải đóng cửa các trường học. Những ý kiến ủng hộ mở cửa trường, đón học sinh đi học bình thường trở lại sau Tết Nguyên Đán xuất phát từ những nhận định chủ quan khi cho rằng cúm virus Corona còn không nguy hiểm bằng cúm thường. Cụ thể, những người này nhận định: "Cúm Virus hàng năm và nhiễm virus Corona đều có nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên về mức độ nguy hiểm thì cúm virus hàng năm giết chết số người nhiều hơn nhiều so với nhiễm virus corona hiện tại.
Đến sáng 1/2, có 259 người tử vong do chủng virus corona tại Trung Quốc, trong tổng số 11.791 trường hợp nhiễm bệnh. So sánh với dịch cúm thông thường: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có ba đến năm triệu ca cúm nặng trên toàn thế giới mỗi năm. Trong số này, có tới 650.000 người chết vì bệnh do virus. Tuy nhiên không có trường học nào đóng cửa cho toàn bộ học sinh nghỉ học do dịch cúm hàng năm".
Trong khi phái ủng hộ đóng của trường học lại cho rằng, an toàn trên hết. Cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần rồi sau đó giảm nghỉ hè 1 tuần thì vẫn ổn.
Việc học sinh, sinh viên về nhà nghỉ tết rồi tập trung về lại trường học sau kỳ nghỉ sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm do di chuyển, nên việc kéo dài kỳ nghỉ thêm 1 tuần cũng hợp lý.
Nó khác với việc sinh viên đang học cho nghỉ 1 tuần.
Việc tranh luận ngày một nóng lên cùng với dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới.
Cuối cùng thì những người ủng hộ đóng cửa trường học đã "thắng" vì từ tháng 2/2020 nước ta đã trở thành là nước duy nhất ngoài Trung Quốc đóng cửa trường học kéo dài ở quy mô toàn quốc.
Một số nước diễn biến dịch phức tạp hơn Việt Nam, như Singapore, vẫn cho học sinh, sinh viên đi học bình thường tại thời điểm đó.
Tuy nhiên sau đó vì dịch bệnh lây lan ngoài sức tưởng tượng nên không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa trường học.
Trên thực tế, học kỳ II năm học 2019 - 2020, học sinh cả nước đã nghỉ học hơn 3 tháng để phòng dịch.
Với sự thận trọng, đặc biệt trong những thời điểm dịch đã lây lan ra cộng đồng thì việc đóng cửa trường học đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của phụ huynh, học sinh.
Đến thời điểm này có thể thấy đây là một chính sách linh hoạt, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
2. Duy trì hay bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT (Trước đây là Kỳ thi THPT Quốc gia)
Vấn đề bỏ hay duy trì Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là Kỳ thi THPT quốc gia) là đề tài tranh luận của giáo dục suốt nhiều năm qua. Những ý ủng hộ đề xuất bỏ kỳ thi này vì cho rằng, chưa thi đã biết đỗ.
Việc tổ chức thi cử tốn tiền, tốn thời gian nhưng kết quả là 99% học sinh đậu tốt nghiệp vì thế đây là kỳ thi nặng tính hình thức.
Hơn nữa, Kỳ thi THPT quốc gia đã bộc lộ tiêu cực lớn đặc biệt gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
Chính vì thế nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan rộng, học sinh nhiều tháng trời không được đến trường thì nhiều người lo lắng sẽ không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia (sau này là Kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Những người ủng hộ bỏ kỳ thi này lại tiếp tục nêu ra ý kiến này. Việc dịch bệnh chưa biết khi nào dừng lại, chương trình học còn ngổn ngang, thời gian năm học không còn nhiều nên cần thiết "áp dụng biện pháp thời chiến" là xét tốt nghiệp cho học sinh khối lớp 12.
Trước những tranh luận trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn kiên trì quan điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với phương châm học gì thi nấy, tinh giản chương trình, công bố lại đề thi minh họa...
Với những ứng biến kịp thời Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức thành công Kỳ thi Tốt nghiệp THPT với hai đợt thi. Đây được xem là một trong những dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục trong năm học 2019 - 2020.
3. Những nội dung chưa phù hợp trong cuốn Tiếng Việt 1 của Bộ sách Cánh Diều
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai đưa chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào trong nhà trường ở khối 1. Đây là sự kiện giáo dục quan trọng mang theo những kỳ vọng lớn của xã hội về công cuộc đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên, khi chương trình lớp 1 chưa đi qua được 1 tháng thì phụ huynh học sinh nhiều người đã lên tiếng về những bất hợp lý trong chương trình cũng như những "hạt sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ sách Cánh Diều.
Theo đó trong sách này có nhiều bài học có nội dung không phù hợp, nhiều từ ngữ tối nghĩa. Những tranh cãi liên quan đến nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ sách Cánh Diều gây sốt mạng xã hội, báo chí và ở nhiều diễn đàn khác nhau.
Vấn đề này cũng đã làm nóng diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.
Đơn cử, phát biểu tại phiên thảo luận Kinh tế - Xã hội ngày 3/11, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, sách giáo khoa tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam, dẫn tới giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh.
Đây là thực tế đang xảy ra, dẫn đến dư luận không tốt. Điều đáng nói là những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đưa vào sử dụng mới bộc lộ, mà không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn hay quá trình thẩm định, phê duyệt.
Bà cũng cho rằng, sách giáo khoa đã sai bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ học sinh trẻ học sách giáo khoa sai sót.
Đại biểu này cho rằng cần thành lập một Hội đồng thẩm định quốc gia với tất cả thành viên mới, thẩm định lại khách quan, minh bạch, thật kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa sách giáo khoa vào sử dụng, nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận định không chỉ một bộ mà cả năm bộ sách đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, bản quyền, ngữ liệu.
Trước những tranh cãi đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ Cánh Diều buộc phải điều chỉnh về ngữ liệu bài đọc. Có 12 "bài đọc thay thế" cho 12 bài bị cho là không phù hợp trong sách giáo khoa và nhiều từ ngữ tối nghĩa buộc phải chỉnh sửa.
4. Đề xuất bán trường chuyên
Người châm ngòi cho những bất cập của mô hình trường THPT chuyên hiện nay là tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia về kinh tế, vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (Ams).
Ông Thành cho rằng, ý tưởng bán trường Ams của ông không phải phê phán chất lượng của trường Ams. Vấn đề mà ông đặt ra thảo luận là các trường chuyên sử dụng nguồn lực và tài chính vượt trội của nhà nước để phục vụ cho mục đích gì?
Số liệu thực tế cho thấy, trường Ams hiện nay (cũng như mọi “trường chuyên” khác trên cả nước) đang nhận ngân sách (tính trên đầu học sinh) cao hơn khoảng 2,5-2,7 lần các trường công khác.
Để tranh luận lại với những người bảo vệ và duy trì trường chuyên khi họ cho rằng, trường chuyên là để đào tạo ra “nhân tài” nhưng tiến sĩ Nguyễn Đức Thành bày tỏ sự hoài nghi về mục đích này.
Theo ông, nhân tài có thực sự bộc lộ ở những năm học phổ thông và có thể đào tạo ở những năm ấy?
Tất nhiên, thông qua học hành thi cử, nhồi nhét, thách đố, tạo sức ép lên một đứa trẻ, chúng ta có thể nhận ra được một số tố chất đặc biệt như khả năng tính nhanh, khả năng suy luận hay trừu tượng hoặc nhớ vài bài thơ dài, nhưng nói chung qua quan sát thì những tỷ lệ các tài năng thực thụ trong trường Ams và các trường chuyên không nhiều.
Và không có gì bảo đảm các trường phổ thông khác không cung cấp được các nhân tài tương lai.
Cho nên, không có gì bảo đảm những đứa trẻ được tuyển và học tại trường Ams hay trường chuyên là “nhân tài” dù chúng có thể học giỏi hơn các bạn cùng lứa.
Tuy nhiên, có một điều hệ trọng hơn rất nhiều nếu nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng “nhân tài”, và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp thì những “nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Còn nếu không, thì chi tiền cho nhân tài làm gì khi bản thân những người có tài, họ đã tự lo liệu cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường. Sao lại còn đầu tư thêm cho họ bằng tiền của người kém tài hơn, rồi để họ muốn làm gì thì làm.
Đề xuất bán trường chuyên của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành châm ngòi cho những tranh luận về sự lỗi thời của mô hình dạy học này.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận định: “Cách dạy hiện nay gọi là thợ giải bài tập thôi chứ không phải học để phát triển đi theo ngành chuyên môn nào đó, phát triển lên đỉnh cao. Tất nhiên các bạn trường chuyên thì có tố chất thông minh nhưng chủ yếu là giải bài tập để đi thi quốc gia, quốc tế.Các bạn không được học để trở thành một nhà chuyên môn lớn sau này. Do đó, điều này cần tính toán lại”.
Vì những bất cập trên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trường chuyên nên chuyển sang phát triển theo mô hình chất lượng cao. Vì các trường có điều kiện về cơ sở vật chất tốt, thầy cô giáo giỏi. Còn cách giáo dục thì phải dạy học trò toàn diện.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Chúng ta cần nhìn sang các nước xem họ có hệ thống trường chuyên như mình không hay chắc mình có. Các nước người ta đưa học sinh phổ thông bình thường đi dự thi các cuộc thi phổ thông quốc tế chứ không phải từ các lò luyện thi. Còn Việt Nam có nhiều học sinh đạt giải quốc tế thực chất là từ các lò luyện thi”.
5. Câu chuyện cách chức Hiệu trưởng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là mô hình trường đại học tự chủ được xem là thành công nhất.
Trong 13 năm thực hiện đề án tự chủ từ một ngôi trường không danh tiếng thì trường này đã vươn lên trở thành một trường đại học lớn, liên tiếp trong nhiều năm có tên trong các bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới.
Thành công đó, giới chuyên gia giáo dục cho rằng có sự đóng góp lớn của Hiệu trưởng nhà trường là tiến sĩ Lê Vinh Danh.
Tuy nhiên, trong năm 2020 ông Lê Vinh Danh bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cơ quan chủ quản kỷ luật.
Điều này đã châm ngòi cho việc tranh luận liệu việc kỷ luật như vậy có đúng luật. Nếu không đúng luật thì cần xử lý như thế nào trong bối cảnh đang đẩy mạnh chủ trương tự chủ đối với giáo dục đại học.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đảng Việt Nam băn khoăn về việc cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng vội vàng.
Muốn cách chức Hiệu trưởng phải do Hội đồng trường đề nghị lên và cơ quan chủ quản phê duyệt. Trong trường hợp này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không đề nghị lên mà cơ quan chủ quản lại ra quyết định cách chức.
Như vậy, cơ quan chủ quản có làm đúng Luật Giáo dục Đại học, đúng với Nghị định 99?
Đây là vấn đề cần được đưa ra xem xét đánh giá công khai, khách quan.
Cuộc tranh luận trên báo chí và đã trở thành đề tài tranh luận trên diễn đàn Quốc hội khóa 14, tại kỳ học thứ 10.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh, khi xem xét ở góc độ pháp lý thì việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản cách chức Hiệu trưởng đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng là văn bản trái pháp luật vì điều này trái với quy định tại khoản 1, điều 20 của Luật Giáo dục Đại học.
Bởi theo khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục quy định việc này là do Hội đồng nhà trường hay Hội đồng Đại học.
"Đành rằng theo Luật cán bộ, luật viên chức thì những nhân sự là cán bộ hay công chức thuộc quyền quản lý của công đoàn hay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì họ có quyền kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức hay Luật viên chức.
Tuy nhiên, ở đây là chức danh hiệu trưởng trường đại học, cần tuân thủ theo quy định Luật Giáo dục đại học. Quy định này vừa mới được Quốc hội thông qua, bổ sung sửa đổi, vừa mới “ráo mực” thôi. Một quy định rất tiến bộ để mở đường cho vấn đề tự chủ đại học. Tôi đánh giá về mặt nhận thức và hành vi như thế là có vấn đề", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.
Tin nổi bật
Tin Video