Tin tức

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời, viết tiếp bài ca giữ biển

(VOVTV) - Ngày 14/3 là tròn 35 năm sự kiện Gạc Ma, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa. Thời gian thấm thoắt trôi nhưng trận chiến Gạc Ma không bao giờ quên trong tâm khảm người Việt Nam. Ngày nay, truyền thống anh dũng, kiên cường tiếp tục được vun đắp, các thế hệ hôm nay và mai sau sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, bãi biển của Tổ quốc.

13/03/2023 10:17

Càng gần ngày 14/3, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đón thêm nhiều đoàn từ khắp cả nước về thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống 35 năm trước. 

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 1.

Tượng đài khắc họa thời khắc bi hùng của các chiến sĩ Hải quân.

Bà Đỗ Thị Hà, nhà ở phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là người thường xuyên đến Khu tưởng niệm này. Bà là vợ của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, hy sinh trong trận chiến 35 năm trước. Chồng mất sớm, khi con gái mới 2 tuổi, bà Hà quyết định ở vậy, làm thuê, phụ hồ để nuôi con. Bây giờ, con gái đã lớn, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, mình bà sống trong căn nhà tình nghĩa. Bà Hà không thể quên, trước ngày lên đường ra đảo, vợ chồng cùng nhau đi chợ mua đồ cho con gái mới 14 tháng tuổi. Sau đó, anh Doanh lên tàu và ra đi mãi mãi.

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Hà xúc động khi nhìn lại những hình ảnh của người chồng - liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh.

Cứ đến dịp 14/3, bà Đỗ Thị Hà lại ra Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma để thăm nom, thắp hương tưởng nhớ chồng và đồng đội.

“Mỗi lần gần giỗ chồng, tôi cũng đến nơi đây thắp hương, tưởng nhớ anh ấy, cho linh hồn của anh ấy ấm áp, cho tôi vơi bớt nỗi trong lòng. Tôi thấy nơi đây rất ấm áp, thân nhân, khách du lịch người tới đây thắp hương, tưởng nhớ các anh hung, liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma.” - bà Hà chia sẻ.

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thị Hà (áo đen) xúc động bên di ảnh liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh.

Cũng tại phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh có gia đình chị Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Trần Văn Phương. Hiện nay, chị Thủy là quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Lữ đoàn 146- Đoàn Trường Sa. Đây từng là nơi công tác của Thiếu úy Trần Văn Phương trước lúc hy sinh. 

Chị Trần Thị Thủy cho biết, mộ bố ở quê nhà tỉnh Quảng Bình, vì đường sá xa xôi, công tác bận rộn nên không thường xuyên về viếng mộ. Vì thế, đến dịp 14/3, chị Thủy lại đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp nhang và coi đó như phần mộ chung của bố mình và đồng đội. 

Chị Trần Thị Thủy không khỏi xúc động khi lật xem từng lá thư, cuốn sổ của bố mình để lại: “Hài cốt của bố tôi được chuyển từ Trường Sa về an táng tại quê nhà, lúc đó, tôi đang còn bé. Đi học, tôi bắt đầu tìm hiểu về bố của mình. Trong mình luôn có niềm tự hào rất lớn, thôi thúc phải đi theo để nối nghiệp bố. Bây giờ kỷ vật của bố không còn nhiều, thỉnh thoảng mang ra cho các con xem để các cháu tự hào về ông. Lớn lên noi gương ông, phát huy theo truyền thống tốt đẹp của ông.”

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 4.

Toàn cảnh Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng bào trong và ngoài nước đóng góp xây dựng, khởi công từ tháng 3/2015, giai đoạn 1 được hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Khu tưởng niệm rộng hơn 2,5 héc ta nằm trên đồi cao nhìn ra biển Đông với 4 cụm công trình chính là cụm tượng đài, khu mộ gió, khu quảng trường và bảo tàng Gạc Ma…

Giữa Khu tưởng niệm, nổi bật là hình ảnh cụm tượng đài “Vòng tròn bất tử”, tái hiện hình ảnh ngày 14/3/1988, các chiến sĩ với cuốc xẻng trên tay đã anh dũng chống trả quyết liệt, đánh bật đối phương ra nhiều lần để bảo vệ đảo Gạc Ma. Địch sau đó dùng hỏa lực mạnh tấn công các chiến sĩ tay không làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. 

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cho biết, mỗi lần đi công tác tại quần đảo Trường Sa, thả những vòng hoa tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông cứ đau đáu, thân xác các anh hùng liệt sĩ phải nằm lại biển cả, gia đình người thân vẫn mong muốn đưa con em về lại đất mẹ. Hình ảnh đó cứ day dứt để rồi ông đề xuất với Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. 

Ông Đặng Ngọc Tùng nhớ lại: “100% thành viên Ban chấp hành Công đoàn Việt Nam đều tán thành ủng hộ chủ trương đó, tổ chức cuộc vận động nhân dân cả nước đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm Gạc Ma. Riêng cá nhân tôi, dịp vào Khánh Hòa và đặc biệt vào dịp 14 tháng 3 tôi đều ra Khánh Hòa tổ chức lễ viếng các chiến sỹ. Mỗi lần ghé thăm cảm xúc đều bồi hồi xúc động.”

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 5.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thu hút nhiều đoàn khách thăm, viếng.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã đón hơn nửa triệu lượt khách đến thăm viếng. Ngoài đồng đội, thân nhân các liệt sĩ còn có đông đảo sinh viên, học sinh, người lao động, Việt kiều… Đông nhất là vào những ngày lễ lớn và dịp 14/3. 

Từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày, Khu tưởng niệm này đón trên 10 đoàn khách là các đơn vị, trường học đến dâng hương. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Trường Sa nằm bên cạnh Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

35 năm sự kiện Gạc Ma: Tưởng nhớ những người nằm lại phía chân trời - Ảnh 6.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước.

Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại đây sẽ hình thành một cụm công trình văn hóa đậm chất biển đảo, ghi nhớ công ơn những thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Trúc chia sẻ: “Những đoàn khách, đoàn thanh niên, trường học, các thế hệ trẻ, các đoàn cá nhân khi biết địa điểm này thì họ đến viếng rất đông, việc dâng hương tưởng niệm được tổ chức rất trang trọng. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam, thông qua việc tưởng niệm, các bài học lịch sử tại Khu tưởng niệm, hun đúc tinh thần, ý chí bảo vệ về chủ quyền biển, đảo của đất nước .”

Ý kiến của bạn