3 nguyên tắc quan trọng để nuôi dạy một đứa trẻ sớm tự lập
Tự lập là một trong những đức tính mà bất kỳ cha mẹ nào cũng đều muốn có ở con mình. Tuy nhiên, tính cách này không phải bẩm sinh mà cần phải trải qua quá trình rèn giũa từ cha mẹ.
Trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, một trong những đức tính nhất định cần phải rèn luyện ngay từ nhỏ chính là sự tự lập. Tại sao đức tính này lại quan trọng đến vậy, cha mẹ nhất định cần phải hiểu rõ những điều sau:
Thích ứng nhanh với sự phát triển của xã hội
Ngày nay, trong thời đại kinh tế tri thức, khoa học công nghệ thay đổi nhanh đến chóng mặt. Chính vì thế, một đứa trẻ sinh ra trong xã hội như vậy chắc chắn cần phải thích nghi nhanh, nếu không sẽ bị tụt lại đằng sau.
Những đứa trẻ có chính kiến riêng, tự lập mọi thứ ngay từ nhỏ, khi lớn lên sẽ dễ dàng làm được rất nhiều thứ trong xã hội, chắc chắn chúng cũng sẽ là người được yêu thích trong tập thể.
Được đánh giá cao
Ví dụ, trong trường mẫu giáo hoặc tiểu học, giáo viên cho phép trẻ để thảo luận tự do. Những đứa trẻ tự lập sẽ luôn khăng khăng giành là người lãnh đạo nhóm, chúng cũng có nhiều ý tưởng đột phá, đưa các ý kiến mang tính xây dựng vượt trội.
Những tố chất này luôn được đánh giá cao trong trường học, nhờ đó những đứa trẻ như vậy sẽ dễ dàng được thầy cô và bạn bè biết đến nhiều hơn, đương nhiên sau này cũng không thiếu cơ hội phát triển.
Luôn tràn đầy sự tự tin
Nhiều đứa trẻ sẽ hay đỏ mặt mỗi khi lên bục giảng hoặc cúi gằm mặt khi nói trước đông người, đây là biểu hiện của việc thiếu tự tin. So với những đứa trẻ này, những đứa trẻ tự lập rất tự tin, không ngại giao tiếp xã hội, có ý chí vươn lên trước khó khăn và không thu mình lại khi gặp sự cố.
Tuy nhiên, trẻ có tính tự lập đôi khi cố chấp, không nghe lời cha mẹ. Điều này có thể thấy rằng, trẻ tự lập cũng có những khuyết điểm cần phải cải thiện, chính kiến thường gắn với những bình luận tiêu cực như ích kỷ, cực đoan, bướng bỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung trẻ tự lập vẫn được lòng mọi người nhiều hơn.
Vậy thì làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ tự lập, cha mẹ có thể tham khảo 3 phương pháp giáo dục hữu ích sau đây:
Cha mẹ đừng kiểm soát con cái quá nhiều
Nhiều cha mẹ coi sự phản kháng của con cái như một cách đối đầu với mình. Cảm giác an toàn của cha mẹ thường đến từ sự kiểm soát tuyệt đối với con cái. Có lẽ vì trong tâm trí của cha mẹ, con cái lúc nào cũng cần được bảo vệ an toàn.
Khi trẻ còn nhỏ, chúng chưa có khả năng tự lập và cần được chăm sóc. Nhưng khi trẻ lớn lên, nếu chúng vẫn bị kiểm soát như trước, điều này chắc chắn làm tổn hại đến tính độc lập và ý thức cá nhân.
Chính vì thế, cha mẹ không nên kiểm soát con cái quá nhiều mà nên cho trẻ không gian riêng và quyền được lựa chọn. Đối với những việc mà trẻ có thể tự quyết định, cha mẹ không nên can thiệp vào sâu. Trước hết, cha mẹ cần học cách "buông bỏ" nếu muốn con mình tự lập sớm.
Trân trọng ưu điểm của con cái
Không ít cha mẹ thường ghen tị với con nhà hàng xóm, nghĩ rằng con mình chẳng bao giờ được như con nhà người ta.
Thực ra, mỗi đứa trẻ đều có những ưu và khuyết điểm riêng, nếu cha mẹ không phát hiện ra ưu điểm của con mình, ít khi động viên, điều này khiến đứa trẻ đó dần tự ti theo thời gian. Và đương nhiên, chúng sẽ không thể nào tự lập trong tương lai được.
Để con cái có những chính kiến của mình, cha mẹ không nên keo kiệt với những lời động viên. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai.
Vì vậy, việc trân trọng những ưu điểm của con cái là cách cha mẹ giúp chúng tự tin và can đảm hơn khi đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống.
Để con cái có quyền lựa chọn
Ngay từ nhỏ đến lớn, rất nhiều đứa trẻ không có quyền được lựa chọn và đưa ra những quyết định bản thân muốn. Ngay từ việc chọn trường tiểu học, cho đến trung học rồi vào đại học, tất cả đều do cha mẹ áp đặt.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy thường có tâm trạng rất ức chế, u sầu, tủi thân, không biết tương lai mình rồi sẽ về đâu khi lúc nào cũng đều phải nghe lời cha mẹ.
Khi trẻ còn nhỏ có thể vì chưa có kinh nghiệm sống, chưa biết suy nghĩ, cha mẹ có thể lựa chọn giúp, nhưng khi chúng lớn lên, việc hỏi ý kiến là hướng trẻ biết tự suy nghĩ, tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân. Trong tương lai, những đứa trẻ dám làm dám chịu sẽ trở thành một người xuất sắc.