3 người lính cứu hỏa hy sinh vì dân, họ đã ở lại trong lòng dân
Sống vì Nhân dân thì được Nhân dân tin yêu, chết vì Nhân dân thì được Nhân dân tôn kính. Bởi vậy, sự hy sinh của các anh không chỉ để lại nỗi tiếc thương vô hạn mà để lại cho đời lòng biết ơn.
Hà Nội chiều cuối tuần, lại đúng giờ tan tầm, như lẽ thường, dòng người và xe sẽ vội vã hơn mọi ngày. Nhưng chiều thứ Sáu (5/8), tôi đã bắt gặp một khung cảnh khác lạ.
Trên nhiều con phố trung tâm Thủ đô, suốt dọc hai bên đường, dòng người và xe dừng lại, lặng lẽ. Không ai bảo ai, trên những gương mặt ấy phảng phất nỗi buồn. Họ thành kính tiễn biệt 3 người lính quả cảm đã “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Những người lính trong một buổi chiều hè nắng lửa đã vĩnh viễn không trở về với mẹ cha, với vợ con và đồng đội.
Dừng lại ở góc phố Lý Thường Kiệt khi đoàn xe chở linh cữu các liệt sĩ ngang qua, lòng tôi nghẹn lại, se sắt. Nhìn sang hai bên đường, những người lính trong sắc phục công an, cứu hỏa đứng đều tăm tắp, trang nghiêm giơ tay vĩnh biệt đồng đội lần cuối. Những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Có người mẹ khóc nấc khi nhìn thấy những vòng hoa trắng. Họ thành kính vĩnh biệt Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng uý Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.
Đã lâu lắm rồi, tôi mới bắt gặp cảnh tượng ấy trên đường phố Hà Nội. Nếu không nhầm thì từ khi người dân Thủ đô tiễn đưa người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp 9 năm về trước (2013).
Sống vì Nhân dân thì được Nhân dân tin yêu, chết vì Nhân dân thì được Nhân dân tôn kính. Bởi vậy, sự hy sinh của các anh không chỉ để lại nỗi niềm tiếc thương vô hạn mà để lại cho đời lòng biết ơn. Dưới chân Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” trên đường Trần Nhân Tông, mấy ngày qua, người dân Thủ đô đã đến đây đặt hoa để tướng nhớ các anh. Trên khắp các diễn đàn, các trang mạng xã hội, người ta để ảnh đại diện là hình vẽ 3 người lính cứu hỏa anh hùng - biểu tượng của sự hy sinh, tận tâm, tận tụy. Kèm theo đó là dòng chữ “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”.
“Các em đã hoàn thành nhiệm vụ đầy vẻ vang, vinh quang, xứng đáng những gì mà Nhân dân yêu mến. Mong các em an giấc cùng đồng đội của mình và sẽ mãi mãi trong lòng dân".
“Lòng dũng cảm của các đồng chí đã để lại cho thế hệ trẻ Thủ đô và trong cả nước lòng khâm phục vì sự hy sinh không do dự của các đồng chí. Xin vĩnh biệt các đồng chí anh hùng, liệt sĩ" – những dòng chữ ngay ngắn trong sổ tang ở Nhà tang lễ Quốc gia.
Gần 2 năm trước, câu chuyện 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 khiến hàng triệu triệu người rơi nước mắt. Và ngay trong những ngày đầu tháng 8 này, sau 3 người lính cứu hỏa ở Thủ đô nằm xuống thì ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ là Đồng Tháp, Thiếu tá Hồ Tấn Dương - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự kinh tế và ma túy Công an huyện Lấp Vò cũng vĩnh viễn không trở về khi truy bắt đối tượng trộm cắp tài sản.
Giữa thời bình, dẫu không còn bom rơi, đạn lạc nhưng những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vẫn âm thầm cống hiến, âm thầm chiến đấu và hy sinh. Nào thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ…ở đâu dân cần, ở đó có lực lượng vũ trang. Dù cho lúc này lúc khác, chúng ta từng nghe, từng gặp, từng thấy sự tha hóa ở người này, người kia nhưng nhất định, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân vẫn là phẩm chất sáng ngời của hầu hết những người chiến sĩ - "Vì nước quân thân, vì dân phục vụ".
3 người lính cứu hòa can trường đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất của Chủ tịch nước; được tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, huy hiệu của các tổ chức, đoàn thể. Nhưng trên hết, họ đã sống và ở lại trong lòng nhân dân.../.
Tin nổi bật
Tin Video