3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021
Trước diễn biến mới của đại dịch COVID-19, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo 3 kịch bản tăng trưởng của tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm 2021.
Tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu”, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Trong kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), PGS TS Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - cho biết, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng vaccine được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022 thì kinh tế vĩ mô duy trì sự ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.
Với kịch bản cơ sở này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ giảm từ 1-1,5% so với dự báo được VEPR đưa ra vào quý I năm nay, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt từ 6-6,3%.
Trong kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được giả định được kiểm soát nhanh hơn, ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 - 6,1%.
Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4%.
Theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, so với 1 năm trước đây, tương lai nền kinh tế thế giới đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó với bệnh dịch và việc triển khai tiêm phòng vaccine ở nhiều nước lớn trên thế giới. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế thế giới vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trên quy mô toàn cầu mà điều này khó có thể xảy trong vòng một năm tới.
PGS TS Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh: "Các đợt tái bùng phát của bệnh dịch có thể khiến nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng bị ngưng trệ. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, chúng tôi cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch, các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước".
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu, về phía Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.
Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.
Cũng tại hội thảo, trả lời câu hỏi về ngành nghề nào được hưởng lợi từ dịch COVID-19 và có khả năng phục hồi nhanh, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều lĩnh vực điêu đứng như: hàng không, du lịch, khách sạn...
Nhưng bên cạnh đó, không ít ngành lại tăng trưởng tốt nhờ dịch COVID-19 như: Nhóm ngành y tế (khẩu trang, thuốc đề kháng, chất tẩy rửa..), ngành IT, viễn thông (Máy tính, điện thoại tăng mạnh vì khi giãn cách, mọi người làm việc ở nhà, học sinh học online...), các nhà bán lẻ điện máy.
Nhóm các mặt hàng thiết yếu cũng phát triển mạnh, ngành may mặc, thời trang do nhiều hãng chuyển từ hàng công sở sang may mặc ở nhà nên cũng tăng trưởng tốt.
Tin nổi bật
Tin Video