Xã hội

23 người tử vong do chó dại cắn: Còn buông lỏng quản lý đàn chó nuôi

(VOVTV) - Từ đầu năm đến nay, các ổ dịch chó dại liên tiếp bùng phát ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước với 23 trường hợp người tử vong do bị chó dại cắn. Với diễn biến như hiện nay, số lượng người bị mắc bệnh dại và tử vong có thể sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Tác giả Minh Long/ VOV 1
13/03/2024 22:47

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 23 người tử vong vì bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố, tăng 12 ca, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Địa phương ghi nhận nhiều trường hợp xuất hiện nhất là Đắc Lắc với 4 ca; Long An 3 ca; Quảng Bình và Bình Thuận là 2 ca.  

23 người tử vong do chó dại cắn: Còn buông lỏng quản lý đàn chó nuôi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết, nhiều địa phương chưa tiêm phòng đầy đủ vắc xin và quản lý đàn chó nuôi

Tình hình người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng bệnh dại cũng tăng cao như: năm 2022 ghi nhận là 600 nghìn người, tăng so với các năm trước là hơn 100 nghìn người. Trong các tháng đầu năm 2024, đã có khoảng 100 nghìn người bị chó cắn phải điều trị dự phòng gây ra nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Với diễn biến như hiện nay, số lượng người bị mắc bệnh dại và tử vong có thể sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là chưa quản lý được đàn chó và chưa tổ chức tiêm phòng vắc xin đạt theo yêu cầu; tình trạng chó không được quản lý, chó thả rông, chó cắn người còn rất phổ biến ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. 

Đến nay, cả nước mới tiêm phòng đạt 53% so với tổng đàn chó nuôi, trong khi đó chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tối thiểu là phải tiêm phòng đàn chó nuôi phải đạt từ 70% trở lên. Không cấm nuôi chó, tuy nhiên chủ vật nuôi khi nuôi chó phải có trách nhiệm hiểu rõ đặc tính của thú nuôi để có biện pháp quản lý, tránh tình trạng là chó cắn người, hoặc thả rông để chó cắn người. Đã có quy định rất cụ thể là người nuôi chó phải nuôi nhốt không để chó chạy rông cắn người, đồng thời phải tiêm vắc xin dại cho đàn chó, những điều này đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, mức phạt hiện nay đối với chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin, không đeo rọ mõm từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, là mức phạt còn quá nhẹ đối với những trường hợp để xảy ra tình trạng chó cắn người trọng thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người bị vật nuôi cắn,. Mức phạt như thế chưa đủ mức răn đe, cần điều chỉnh phù hợp. 

Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào mức xử phạt nặng hay nhẹ mà vấn đề mấu chốt ở đây là nhận thức chủ nuôi chó, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Kể cả có tăng chế tài xử phạt nhưng nếu những chỉ đạo từ Trung ương mà không được chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt thì những biện pháp xử phạt cũng không giải quyết được vấn đề.

Hiện nay hệ thống thú y, nhất là thú y cơ sở, cấp huyện, xã không còn ở nhiều địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêm phòng vắc xin. Nhiều địa phương cũng chưa bố trí kinh phí mua vắc xin cũng như kinh phí hỗ trợ lực lượng tham gia tiêm phòng vắc xin dại không có hoặc rất thấp dẫn đến việc triển khai tiêm phòng không đạt yêu cầu. 

ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Trong đó, quy trách nhiệm cho người đứng đầu của Ủy ban nhân dân các cấp. Tổ chức kiểm điểm các địa phương không tổ chức quản lý chặt chẽ và tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó có thấp hoặc các địa phương để nhiều người tử vong do bệnh dại, đặc biệt là những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại dưới 10%, cũng như các địa phương liên tục trong nhiều năm để xảy ra nhiều người chết vì bệnh dại. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống theo Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2021-2030. 

Giải pháp kỹ thuật quan trọng nhất ở đây là các địa phương phải quản lý đàn chó và tiêm phòng vắc xin dại, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cục Thú y cũng đã thành lập hàng chục đoàn công tác kiểm tra thực tế tại các tỉnh, thành phố trọng điểm nguy cơ cao về bệnh dại để đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương tổ chức quản lý tốt đàn chó và tiêm phòng vắc xin dại. Bên cạnh đó phối hợp với các tổ chức quốc tế giám sát bệnh dại trên diện rộng để có được thông tin và số liệu chính xác để khuyến cáo đến từng địa phương.

Ý kiến của bạn