20 năm hành trình "lên chuyên" của bóng đá Việt
Bước sang năm 2021, giải bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam League (V.League) đã trải qua chặng đường 20 năm. Đó là một hành trình dài của một giải đấu bóng đá cấp CLB ở hạng cao nhất, với xuất phát điểm là một nền bóng đá bao cấp, bán chuyên nghiệp chuyển đổi thành một nền bóng đá chuyên nghiệp thật sự. Trước thềm mùa giải mới V.League 2021, báo chí xin cùng độc giả và NHM nước nhà nhìn lại chặng đường "20 tuổi" đã qua của giải bóng đá Chuyên nghiệp nước nhà.
Nhìn từ cuộc đua thành tích vô địch, hành trình 20 năm đã qua của V.League có thể tóm tắt bằng 2 giai đoạn. Nếu như 10 năm đầu tiên, cuộc chiến "Gạch - Gỗ", sự trỗi dậy của Becamex Bình Dương, SHB Đà Nẵng trở thành điểm nhấn chính thì 10 năm sau là kỷ nguyên vang dội của CLB Hà Nội.
Cuộc chiến gạch - gỗ
Thời điểm thế giới bước sang năm 2000, giải VĐQG Việt Nam chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp hoá. Cái tên V.League cũng vì thế hình thành. Đây cũng là giai đoạn mà nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, bản thân nhiều CLB bóng đá cũng được hưởng lợi. Họ không còn phải rơi vào cảnh "thắt lưng buộc bụng", bị kiềm tỏa trong tư duy và lối hành động của thời kỳ bao cấp với ngân sách eo hẹp của các địa phương hay ngành.
Trong những ngày tháng đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, các doanh nghiệp - đứng đầu là những ông bầu lắm tiền nhiều của - đã xuất hiện và đầu tư rầm rộ vào bóng đá. Thời đại kim tiền của bóng đá Việt Nam với cái tên gọi V.League cũng vì thế mà bắt đầu.
Đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có thể xem là CLB đầu tiên được xây dựng theo đúng hình mẫu kể trên. Đội bóng phố Núi với nguồn tiền khổng lồ từ bầu Đức (chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) trở thành một đội tuyển Đông Nam Á thu nhỏ.
"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", HAGL hóa thành Galaticos phiên bản V.League với những tên tuổi lừng danh của bóng đá Việt Nam kết hợp với các ngôi sao Thái Lan mà nổi bật trong đó là Kiatisak Senamuang. Không bất ngờ khi HAGL của bầu Đức vô địch V.League ngay ở lần xuất hiện đầu tiên tại V.League. Thậm chí, HAGL còn đăng quang 2 mùa liên tiếp ở V.League 2003 và V.League 2004.
Thành công của bầu Đức khi đó, vô hình trung, trở thành chuẩn mực để các đại gia lao vào cuộc chơi bóng đá. CLB Gạch Đồng Tâm Long An (ĐTLA) với sự xuất hiện của bầu Thắng (Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group) trở thành đối trọng của HAGL.
HLV người Bồ Đào Nha - Henrique Calisto được mời về cầm đội. Dàn tuyển thủ quốc gia từng được ông nhào nặn như Minh Phương, Tài Em trở thành nòng cốt. Cuộc chiến "Gạch - Gỗ" (do mũi nhọn phát triển kinh doanh của HAGL là lâm nghiệp và của ĐTLA là vật liệu xây dựng nên có biệt danh này - PV) nổ ra khi đó không chỉ là cuộc đua về thứ hạng, danh hiệu và tham vọng. Nó còn là biểu tượng cho vị thế của 2 CLB mà hiện diện cao nhất chính là bầu Đức và bầu Thắng.
Cuộc chiến "Gạch - Gỗ" mang đến dấu ấn lớn đầu tiên khi giải VĐQG khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp với cái tên V.League. Để rồi sau đó, những đội bóng với tầm ảnh hưởng từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bắt đầu nở rộ hơn và phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau Đồng Tâm Long An với 2 chức vô địch các năm 2005 và 2006, B.Bình Dương đăng quang trong 2 năm 2007, 2008, rồi sau đó đến SHB Đà Nẵng lên ngôi ở V.League 2009. Mô hình doanh nghiệp mạnh hoặc ông bầu bạo chi trở thành khuôn thước thành công đối với nhiều CLB trong 10 năm đầu tiên của V.League.
Nhưng cũng từ đây, những CLB vốn theo đường lối truyền thống và lối mòn bao cấp chưa kịp xoay chuyển theo dòng thời cuộc bắt đầu rơi rụng trong trận chiến kim tiền của V.League. NHM dần dần không còn thấy sự xuất hiện của những đội bóng ngành công an như Công An Hà Nội, Công An TP.HCM, Công An Hải Phòng nữa.
Hai phiên hiệu huyền thoại và lẫy lừng của bóng đá Việt Nam là Cảng Sài Gòn và CLB Quân Đội (tức Thể Công) rồi cũng biến mất trên bản đồ bóng đá. Đó là tính hai mặt của cuộc chơi bóng đá vốn chịu sự chi phối quá lớn của đồng tiền và phụ thuộc vào tham vọng của các ông bầu.
Kỷ nguyên vàng son của CLB Hà Nội
Khép lại giai đoạn 10 năm đầu tiên của V.League, hành trình 10 năm tiếp theo có thể xem là kỷ nguyên của CLB Hà Nội và phần còn lại. Được thành lập từ năm 2006, đội bóng với nguồn đầu tư của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - chủ tịch tập đoàn T&T) sớm trỗi dậy trở thành thế lực mới của bóng đá Việt Nam bắt đầu từ năm 2010.
Trong giai đoạn này, đội bóng CLB Hà Nội (trước đó lấy tên Hà Nội T&T) của bầu Hiển đã có 5 chức vô địch và 5 danh hiệu á quân ở 11 mùa giải. Chừng ấy thôi cũng khẳng định sức mạnh và vị thế hàng đầu một cách liên tục, ổn định mà CLB Hà Nội làm được trong suốt 1 thập kỷ vừa qua của V.League.
Đáng nói hơn, 5 chức vô địch của CLB Hà Nội cũng là một kỷ lục mà chưa CLB nào có thể làm được kể từ khi giải VĐQG Việt Nam lên chuyên nghiệp. Để giữ được sự ổn định ấy, CLB Hà Nội đã tự biến chuyển để luôn khẳng định mình là đội bóng hàng đầu Việt Nam.
Nếu trong những năm đầu tiên, dòng tiền của bầu Hiển phục vụ mạnh mẽ cho việc chuyển nhượng, với hàng loạt những ngôi sao là các tuyển thủ quốc gia lẫn ngoại binh hàng hiệu thì từ năm 2016, CLB Hà Nội bắt đầu gặt hái trái ngọt đến từ những tài năng trưởng thành từ lò đào tạo của đội bóng.
Sau những năm tháng đứng dưới bóng của những ông Tây như Gonzalo, Hoàng Vũ Samson hay các đàn anh đầu tàu như Thành Lương, Sỹ Cường, Văn Quyết, thế hệ 1995 - 1999 của Quang Hải, Đức Huy, Thành Chung, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh… đã trở thành "dream team" tiếp theo của đội bóng Thủ Đô.
Kỷ nguyên 10 năm gần đây của V.League mang dấu ấn rất rõ của CLB Hà Nội. Dù đan xen trong đó vẫn có những lần trỗi dậy bất ngờ của Becamex Bình Dương, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Viettel để bước lên bục vinh quang, nhưng quả thực suốt 10 năm qua và có lẽ trong một thời gian dài nữa, CLB Hà Nội vẫn sẽ là thế lực thống trị mặt trận bóng đá số 1 Việt Nam.
20 năm đó biết bao ông bầu
Như đã nói, V.League đến mang theo sự thay đổi về bản chất của CLB. Từ đội bóng địa phương, của ngành, sự xuất hiện của các ông bầu với yêu cầu "tư nhân hoá" mà khởi nguồn là bầu Đức đã để lại dấu ấn cực lớn. Và trong 20 năm đó, V.League cũng đã chứng kiến sự trỗi dậy và suy tàn của các ông bầu - những người đã góp công lớn tạo dựng nên diện mạo V.League hôm nay.
Bầu Đức là người khởi đầu cho làn sóng ông bầu bóng đá tại V.League. Đến giờ, ông vẫn tồn tại cùng ở V.League, dù rằng đội bóng HAGL của ông đã không còn ở giai đoạn hào hùng như cách đây 17 năm.
Điều quan trọng, bầu Đức cũng là một trong hai ông bầu (cùng với bầu Hiển) tạo nên sự chuyển dịch lớn để giữ được sự ổn định trong hoạt động của một CLB. Đó là chuyển đổi từ mua ngôi sao để nâng tầm vị thế đội bóng sang đào tạo trẻ nhằm duy trì dài hạn cho thương hiệu của CLB.
Bầu Đức từng sẵn sàng bạt 5 héc-ta (50.000 mét vuông) cao su đang vào độ tuổi khai thác để xây Học viện bóng đá HAGL JMG với giấc mơ tạo ra lứa cầu thủ tài đức vẹn toàn. Theo đuổi triết lý toàn mỹ, ông muốn cầu thủ phải là những người đá bóng đẹp, làm người đàng hoàng rồi mới tính đến chiến thắng.
Quả thật, đã có thời điểm cả nước Việt Nam mê đắm chiêm ngưỡng lứa cầu thủ U19 Việt Nam được đào tạo từ lò của bầu Đức, với những cái tên thân thuộc như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy… Thậm chí, cơn sốt ĐT U19 ngày đó còn lan sang cả các nước trong khu vực ASEAN.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, bầu Đức đã chi ước chừng trên 76 triệu USD (gần 1.800 tỉ đồng) cho bóng đá. Nhưng rõ ràng, không phải ông bầu nào cũng có thể làm được như bầu Đức và bầu Hiển - hai ông bầu tâm huyết nhất với bóng đá Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2008 đến 2013 là thời điểm nở rộ nhất của những ông bầu bóng đá tại V.League, tạo nên thời kỳ kim tiền mạnh mẽ nhất mà nền bóng đá Việt Nam từng chứng kiến.
Đầu tiên phải kể đến bầu Đệ (ông Nguyễn Văn Đệ). Mùa giải 2009, bóng đá Thanh Hóa xuống dốc không phanh, suýt nữa bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sau khi nhà tài trợ xin rút lui để lại một "gia sản" bóng đá nghèo nàn, èo uột, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã cầu cứu các doanh nghiệp trong tỉnh cùng chung tay "trục vớt con tàu đắm".
Có tất cả 6 công ty "máu mặt" được giao nhiệm vụ dồn tiền nuôi đội bóng xứ Thanh. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, chỉ còn lại duy nhất Công ty Cổ phần Hợp Lực của ông chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ), là trụ lại.
Thế nhưng bầu Đệ cũng không thể gắn bó một cách bền bỉ với đội bóng Thanh Hoá. Đã hai lần bầu Đệ tuyên bố rời đội bóng xứ Thanh, để lại những điều tiếng về việc ông thích đi quá sâu vào chuyện chuyên môn của đội bóng.
Ngoài bầu Đệ, bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên, nổi tiếng với biệt danh Kiên "Bạc") từng nắm CLB Hà Nội ACB, thì bầu Tuấn (ông Nguyễn Mạnh Tuấn) và bầu Long (ông Trần Đình Long) từng làm chủ CLB Hòa Phát Hà Nội cũng chi ra cả trăm tỷ đồng.
Cả hai ông bầu đến với bóng đá bằng một thứ tình yêu đích thực. Nhưng sau 8 năm làm bóng đá, đến hết mùa giải 2011, hai bầu tuyên bố không làm bóng đá nữa. Lý do là vì đội bóng này bị xử ép trắng trợn trong trận đấu với Hải Phòng trên sân Lạch Tray ở cuối V.League 2011.
Sau khi chia tay bóng đá, toàn bộ cơ ngơi của HP.HN được bầu Tuấn, bầu Long bán cho bầu Kiên. Để rồi hàng năm bầu Kiên chi ra cho CLB Hà Nội ACB không dưới 150 tỉ đồng, trong đó đáng kể nhất là việc chiêu mộ Công Vinh năm 2012 với khoảng 12 tỉ đồng tiền lót tay.
Cũng chính bầu Kiên là nhân tố chủ chốt tạo ra cuộc cách mạng tại V.League với sự xuất hiện của Công ty Cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) năm 2012 sau bài diễn thuyết "cướp diễn đàn" kinh diển. Đáng tiếc rằng bầu Kiên lại sớm xa rời bóng đá vì vướng vào vòng lao lý bởi chuyện kinh doanh của mình.
Cũng phải nói đến một nhóm ông bầu khác có độ chịu chơi không kém đã từng hiện diện ở V.League. Nhưng họ đến với bóng đá rất nhanh và cũng rời khỏi bóng đá một cách chóng vánh. Điển hình của nhóm ông bầu "thời vụ" này là 2 doanh nhân máu mặt của tỉnh Ninh Bình: bầu Trường (ông Hoàng Mạnh Trường, chủ tịch tập đoàn Xi măng Vissai Ninh Bình) và bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy, chủ tịch tập đoàn Xi măng Xuân Thành Sài Gòn). Có thể kể thêm bầu Thọ (ông Nguyễn Vĩnh Thọ, chủ tịch của Navibank Sài Gòn) cũng là một tấm gương điển hình cùng bầu Trường và bầu Thụy.
Nhưng lúc cực thịnh cũng là thời điểm cho lúc cực suy. Khi những ông bầu này đến với bóng đá không phải niềm đam mê đích thực thì suy cho cùng, chỉ cần cuộc chơi xảy ra biến cố, họ sẽ lập tức rời khỏi đó khi kết thúc thú vui xa xỉ, để lại nỗi hoang mang cho chính các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Dù sao thì, các ông bầu đã, đang và sẽ là một phần lịch sử của V.League. Bản thân họ dù tốt, xấu thế nào cũng từng đổ không ít tiền của để gây dựng một phần tên tuổi cho bóng đá Việt Nam ở giai đoạn được định hình là chuyên nghiệp suốt 20 năm.
20 năm nhìn lại, nếu chỉ đánh giá yếu tố con người sẽ thấy những bước nhảy kỳ vĩ. Những giá trị chuyên nghiệp dần được xác lập và V.League hội nhập một một cách toàn diện với thế giới bóng đá phát triển xét kể cả về nghề nghiệp, danh vọng, tiền bạc và ý thức của cầu thủ.
Từ mớ rau muống đến chiếc Lexus
Sự thay đổi về thu nhập cầu thủ là lát cắt hoàn hảo nhất cho thấy sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, và tiêu biểu ở V.League. Hãy hỏi những cầu thủ thuộc thế hệ vàng đầu tiên sau năm 1975 như Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Lê Công Minh… xem mức thu nhập của họ từ bóng đá là như thế nào, rồi đem so sánh với thế hệ vàng vô địch AFF Cup 2008 của Công Vinh, Dương Hồng Sơn, rồi tiếp tục so sánh với thế hệ vàng vô địch AFF Cup 2019 của Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Quyết… chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
20 năm trước, khái niệm "thị trường chuyển nhượng" ở V.League vẫn còn vô cùng xa lạ và hầu như không tồn tại. Các CLB thường ở trạng thái "tự cung tự cấp" và thường "bế quan tỏa cảng" với việc bán mua cầu thủ. Thậm chí, chuyện cầu thủ của đội này, địa phương này chuyển sang thi đấu cho đội khác, địa phương khác cũng gây nên nhiều tranh cãi, mâu thuẫn khó có thể phân giải.
Khi đó, chỉ những cầu thủ không còn đất dụng võ, hoặc đội bóng quá dư thừa nhân sự như SLNA, Thể Công mới đi tìm cơ hội ở những đội bóng khác. Thời điểm đó, người ta không quen với phí chuyển nhượng hoặc nếu có chỉ mang tính tượng trưng theo kiểu "đồng quà tấm bánh".
Thế mới có chuyện, hậu vệ của đội bóng Công An Hà Nội là Phạm Minh Đức đã nhất quyết dứt áo ra đi khi đội nhà mang tên mới Hàng Không Việt Nam và nảy sinh mâu thuẫn. Minh Đức muốn gia nhập HAGL nhưng đội bóng mới khẳng định anh phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Sau những tranh cãi gay gắt, cuối cùng Minh Đức được phép chuyển nhượng đến HAGL với giá trị 500 đồng, đúng bằng một mớ rau muống thời đó. Nhiều người cho rằng, nếu ở thời điểm này thì người ta sẽ không thực hiện dìm hàng Minh Đức mà đòi đúng giá trị để nhét túi khoản tiền nhiều tỷ đồng.
Khi các doanh nghiệp đua nhau nhảy vào làm bóng đá thì V.League dần quen với các thương vụ chuyển nhượng, đặc biệt là khi bầu Đức chấp nhận trả khoản lương lên tới 10 ngàn USD/tháng cho Kiatisak năm 2002. Và 1 năm sau, cũng chính bầu Đức đã kích hoạt vụ chuyển nhượng ồn ào với hậu vệ Quang Trãi của CLB Đồng Tháp. Phải nhờ đến sự can thiệp của "quan tòa" VFF thì HAGL mới lấy được người với chi phí đền bù hợp đồng đào tạo là hơn 400 triệu đồng.
Cùng thời điểm đó, bầu Thắng cũng vào cuộc đua giành cầu thủ trẻ Minh Phương. Lại tranh cãi, lại tốn nhiều giấy mực và phải nhờ sự phân xử của VFF để rồi cuối cùng, Gạch Đồng Tâm Long An bỏ ra khoản tiền bồi hoàn 500 triệu đồng cho Cảng Sài Gòn.
20 năm trước, một cầu thủ đến CLB nào đó với số tiền vài trăm triệu, thậm chí là 1 tỷ đồng được cho là con số khủng. Nhưng vài năm sau, khi làn sóng doanh nghiệp hóa bóng đá lên đến cao trào thì những con số kỷ lục liên tục bị xô đổ.
Những cầu thủ như Việt Thắng, Như Thành, Công Vinh… đã nhận số tiền lót tay lên đến hơn 10 tỷ đồng cho một bản hợp đồng. Thậm chí, cựu trung vệ Vũ Như Thành tiết lộ, ở thời hoàng kim, anh đã nhận được hàng chục tỷ đồng tiền lót tay. Số tiền mà Công Vinh nhận được còn lớn hơn thế gấp bội. Từ mớ rau muống, các cầu thủ trở thành những con xe Lexus hào nhoáng.
Số tiền chuyển nhượng có thể điều chỉnh giảm so với thời hoàng kim của bóng đá chuyên nghiệp nhưng so với những ngày đầu lên V.League thì thực sự là một bước đại nhảy vọt. Cầu thủ trở thành một nghề giàu có. Cầu thủ hoàn toàn có thể nuôi sống mình và gia đình nhờ những bản hợp đồng nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, lương của cầu thủ mới là thước đo chính xác sự phát triển của giải đấu. Đã xa rồi cái thời, cầu thủ vừa nhận lương đã bốc hơi sạch ngay khi còn chưa kịp ráo mồ hôi. Đó là câu chuyện thực tế về mức lương của cầu thủ trước thời điểm V.League xuất hiện vào năm 2000.
Giai đoạn đó, mức thu nhập trung bình của giới cầu thủ đá ở giải VĐQG được cho là khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương rẻ rúng, khiến nhiều gia đình ở Hà Nội và TP.HCM phải lắc đầu và cấm con cái đi theo nghiệp quần đùi áo số, bởi ở nhà buôn bán vặt hay chạy xe ôm còn kiếm hơn.
Nhưng trong 20 năm đã qua, mức lương của cầu thủ đã tăng mạnh, thậm chí có giai đoạn cực mạnh - ở thời kỳ bóng đá kim tiền mà các ông bầu ồ ạt đổ tiền vào bóng đá từ năm 2010 đến 2015. Cho đến giờ, hầu hết lương tháng của các cầu thủ tại V.League - trong tình trạng tài chính của CLB bình thường - đều ở mức 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Rõ ràng, sự phát triển của V.League trong 2 thập kỷ qua đã biến cầu thủ thành một nghề có mức thu nhập hàng tháng đáng mơ ước. Họ có thể sống tốt với lương tháng của mình, chưa kể đến thưởng. Cộng với những khoản tiền đến từ khâu chuyển nhượng, rõ ràng, số phận của cầu thủ đã sang trang. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng ở đó…
Những quý ông sân cỏ chuyên nghiệp
Cầu thủ V.League thế hệ 4.0 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Họ không chỉ sống khỏe nhờ lương thưởng, nhờ phí lót tay chuyển nhượng như đã phân tích ở phần trên mà còn nhờ sự chuyên nghiệp hóa của bản thân, nhờ hình ảnh "long lanh, lấp lánh, kiêu sa" của chính mình.
Hãy quên đi hình ảnh cầu thủ đá bóng xong hùng hục chạy ra uống nước ở vòi nước công cộng hay ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc rối bù, đi từ sân cỏ ra thẳng đường phố. Cũng hãy quên đi chuyện cầu thủ ăn uống vô độ, rượu bia nốc vô tư, hút thuốc nhả khói như tàu hơi nước.
Cầu thủ Việt Nam ở V.League bây giờ gắn liền với hình ảnh quý ông sân cỏ bảnh bao, ăn uống ngủ nghỉ, sinh hoạt trong và ngoài sân cỏ tuân thủ chặt chẽ theo chỉ dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng, thể lực, tâm lý và của những người đại diện truyền thông cho mình.
Bởi họ biết, sự chuyên nghiệp hóa trong tập luyện, thi đấu sẽ giúp họ trở thành người hùng của công chúng. Họ biết việc ăn uống theo chế độ dinh dưỡng "đo ni đóng giày", sinh hoạt điều độ và chuẩn mực sẽ giúp tuổi nghề của họ được kéo dài. Và họ biết, hình ảnh long lanh của mình chính là cỗ máy in tiền.
Với những ngôi sao có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng như: Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… thu nhập không chỉ đến bởi lót tay, lương, thưởng mà còn ở khả năng sử dụng danh tiếng cá nhân một cách hoàn hảo.
Một năm số tiền thu về từ quảng cáo của Quang Hải có thể lên đến cả chục tỷ đồng. Công Phượng, Văn Toàn… cũng không hề kém cạnh. Bên cạnh việc thực hiện các hợp đồng quảng cáo bạc tỷ họ còn dấn thân vào việc kinh doanh để tạo ra những sản phẩm và dòng tiền ổn định.
Trước đây, có nhiều ngôi sao kiếm tiền tỷ một năm nhưng khi sa sút phong độ hoặc rời xa sân cỏ họ không giữ được cho mình là mấy. Chúng ta chẳng lạ gì chuyện về những ngôi sao danh tiếng ngày nào phải bươn chải với cuộc mưu sinh hàng ngày.
Nhiều người bảo, cầu thủ giờ khôn hơn. Họ có hưởng thụ nhưng không lao thân vào những cuộc vui phá đời để rồi đánh đổi bởi tiền bạc và sự nghiệp. Họ hiểu rõ việc mất danh tiếng, mất hình ảnh đồng nghĩa với việc mất tiền. Họ biết cần câu cơm duy nhất chính là khả năng thi đấu và tuổi thanh xuân thì có hạn.
Cán cân quyền lực nội binh - ngoại binh
Sự tiến hóa và phát triển của các cầu thủ Việt Nam tại V.League cũng làm thay đổi cán cân quyền lực giữa nội binh và ngoại binh trong cấu trúc đội hình của các CLB. Trong 20 năm, đã có tới 15 năm chúng ta chứng kiến tâm lý trọng ngoại binh của các CLB, coi ngoại binh là chìa khóa mở cánh cửa vô địch.
Sự thành công của những ngôi sao Thái Lan trong 2 chức vô địch V.League 2003 và 2004 của HAGL, của Phan Văn Santos trong 2 chức vô địch V.League 2005 và 2006 của ĐTLA, của Huỳnh Kesley trong 2 chức vô địch V.League 2007, 2008 của Becamex Bình Dương và năng lực ghi bàn của ngoại binh đã tạo nên công thức vô địch của mọi CLB tại V.League là : 3 Tây ngon + tiền của ông bầu.
Gần như trong 20 năm qua, danh hiệu Vua phá lưới không thoát được khỏi chân của những ông Tây sang Việt Nam đá bóng. Và nguồn tiền đầu tư vào đội, đầu tiên và phần lớn nhất là phải được dùng để sắm ngoại binh, sau đó mới tính đến các nội binh.
Thậm chí, cơn cuồng Tây của các CLB bóng đá từng tham dự V.League còn lớn đến nỗi, họ cố gắng tìm cách vượt qua quy định trần 3 ngoại binh ở đội hình chính. Nhập quốc tịch Việt Nam cho ngoại binh là cách thông dụng nhất để có nhiều hơn 3 ông Tây trong đội hình của mình.
Chính vì tâm lý "sùng Tây" của V.League, thế nên chúng ta đã chứng kiến nhiều "bom tấn" chuyển nhượng, điển hình như vụ Hải Phòng tậu cầu thủ đẳng cấp World Cup là Denilson, nhà vô địch World Cup 2002, vào năm 2009. Nhìn chung, một yếu tố để nhận định khả năng vô địch của bất cứ CLB nào trong 15 năm đầu tiên của V.League là ngoại binh.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, ngoại binh cũng đã giúp các cầu thủ Việt Nam phát triển rất tích cực. Một giải đấu muốn phát triển và chuyên nghiệp thì ngoại binh phải tốt. Điều này không chỉ thấy ở V.League mà còn ở mọi nền bóng đá chuyên nghiệp như Premier League, La Liga, J.League, K.League…
Ngoại binh là bệ phóng cho chất lượng giải đấu và tạo ra môi trường để cầu thủ nội tiến bộ. Nhưng ở giai đoạn đầu tiên của V.League, nhiều đội bóng phải đánh bạc khi ký hợp đồng với ngoại binh. Có cầu thủ ngoại đến Việt Nam không có cả giầy thi đấu. Có cầu thủ là công nhân, nông dân trước khi đến Việt Nam.
Nhưng rồi, chất lượng cầu thủ ngoại ngày càng được cải thiện nhờ yêu cầu cao và khả năng trả lương ngày càng cải thiện của V.League. Và tiếp sau đó, người ta chứng kiến nhiều tuyển thủ, cựu tuyển thủ và những cái tên có số má xuất hiện ở V.League.
Tâm lý của các tuyển thủ Việt Nam ở các đấu trường châu lục nhờ thế đã tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ đàn anh. Họ không còn bị bệnh "nhìn thấy Tây là tim đập, chân run" bởi quá trình cọ sát, phối hợp, đối đầu với các ông Tây ở V.League trong 20 năm qua, dần tạo thành tâm lý "hết sợ Tây".
Bên cạnh sự chuyên nghiệp trong khâu tập luyện, thi đấu và dinh dưỡng, sinh hoạt giúp cho nền tảng thể lực tốt hơn, yếu tố "hết sợ Tây" chính là vũ khí tinh thần giúp các tuyển thủ Việt Nam càng tự tin hơn, lập nên nhiều thành tích gây tiếng vang tại đấu trường châu lục và thế giới.
Không những thế, trong những năm gần đây, giá trị của cầu thủ Việt Nam trong mắt người làm bóng đá, HLV cũng tăng mạnh, không còn quá lép vế trước những ngoại binh. Những chức vô địch của CLB Hà Nội hay mới nhất là của Viettel hoàn toàn mang dấu ấn của cầu thủ Việt Nam, HLV Việt Nam.
Đây chính là bước chuyển đáng mừng nhất của V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sau gần 15 năm lệ thuộc vào ngoại lực chứ không phải nội lực. Hệ thống đào tạo trẻ ra sao, sở hữu được những tuyển thủ nào lại trở thành yếu tố để đánh giá một nhà vô địch V.League trong tương lai.
Trong chặng đường phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các HLV trưởng đã có sự thay đổi cực lớn từ cách làm việc cho đến việc trang bị kiến thức, bằng cấp để không bị lạc hậu trong nhịp chuyển động mạnh mẽ của thế giới bóng đá.
Đời thay đổi, khi nền bóng đá thay đổi
Giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hội tụ hàng loạt những HLV sinh năm thập niên 1940 và 1950 như Vương Tiến Dũng, Lê Thuỵ Hải, Vũ Trường Giang, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Văn Nhã, Dương Ngọc Hùng, Trần Bình Sự, Trần Văn Phúc, Vũ Quang Bảo, Đinh Cao Nghĩa…
Điểm chung của các nhà cầm quân này là kinh nghiệm, bản lĩnh và đa phần đều là những tên tuổi rất nổi từ thời còn xỏ giày thi đấu. Họ đều có sự am hiểu tường tận các đội bóng, cầu thủ nên nhiều khi việc sử dụng cầu thủ cho từng trận đấu, từng tình huống đều xuất phát từ yếu tố kinh nghiệm.
Chính vì thế, hạn chế lớn nhất của những HLV trong thời kỳ này là chưa có đủ bằng cấp để làm HLV trưởng 1 CLB V.League. Thế nên một số người đã phải "lách luật" bằng cách đứng ở vai trò giám đốc kỹ thuật để có thể được ngồi trong ca-bin huấn luyện.
Sau này, đến lứa HLV sinh ra ở thập niên 1960 như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Đoàn Phùng, Hoàng Anh Tuấn… đã có sự thay đổi rõ rệt về cách tiếp cận nghề nghiệp cũng như trang bị nhiều "phụ kiện" theo xu hướng hiện đại để có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong sự nghiệp của mình.
Đặc biệt HLV Hoàng Anh Tuấn được xem là người tiên phong trong việc tự học ngoại ngữ, theo học các lớp do FIFA, AFC tổ chức. Đầu những năm 2010, ông Hoàng Anh Tuấn còn là HLV nội duy nhất ở V.League không cần phiên dịch mà trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cho các ngoại binh trong trận đấu. Ông Tuấn cũng là một trong những HLV đầu tiên của Việt Nam có bằng HLV Pro do FIFA cấp, đủ điều kiện hành nghề ở mọi giải đấu trên thế giới.
Việc các HLV đầu tư tiền bạc, thời gian để trang bị kiến thức hiện đại, bằng cấp của FIFA đã lan sang thế hệ gồm các HLV sinh trong thập niên 1970 trở về đây như Chu Đình Nghiêm, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thành Công, Lê Huỳnh Đức, Ngô Quang Trường, Trương Việt Hoàng…
Ngay ở thời điểm V.League bước vào mùa giải thứ 21 này, họ đều là những cái tên rất "hot" trong ca-bin huấn luyện. Họ hiểu rằng để làm nghề một cách chuyên nghiệp thì phải thay đổi tư duy, cách làm việc và đặc biệt phải trang bị đầy đủ kiến thức, bằng cấp để không bị lạc hậu trong môi trường khắc nghiệt như V.League.
Bên cạnh đó, các HLV trẻ hiện nay còn đầu tư tiền bạc mua phần mềm hỗ trợ, áp dụng công nghệ phân tích hiện đại vào huấn luyện, cùng với đó là xây dựng ekip giúp việc có trình độ chuyên môn cao, học hỏi mô hình quản lý của các nền bóng đá lớn.
Chuyên nghiệp từ vị trí HLV
Nhìn bức tranh tổng quan của V.League suốt 20 năm, chúng ta thấy rõ một vấn đề rằng HLV nội có một vị thế khác hẳn những HLV nước ngoài. Trong 20 chức vô địch V.League tính đến nay, chỉ 2 lần HLV ngoại từng giành cúp, nhưng nó cũng thuộc vào thời kỳ 10 năm đầu tiên của V.League. Như thế, có thể thấy, vai trò của HLV trưởng tại một CLB thành công ở V.League không đặt nặng vào vấn đề quốc tịch của họ.
Như đã phân tích ở trên, trình độ của HLV nội tại V.League đã tiến bộ rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu về của AFC hay FIFA. V.League bây giờ không gói gọn trong phạm vi Việt Nam mà các CLB đã phải tham gia nghiêm túc vào các giải đấu cấp châu lục. Điều này càng buộc giới HLV Việt Nam phải tự hoàn thiện bản thân, xóa bỏ dần cái cơ chế "HLV mà không phải HLV, không phải HLV nhưng chính là HLV" khôn lỏi khi xưa.
Không những thế, ý thức chuyên nghiệp của giới HLV nội cũng nâng cao đáng kể. Trước đây, các HLV trưởng thường ít đưa ra yêu cầu về chế độ quyền lợi cho mình, nhưng khoảng thời gian từ 2008 đến nay, trong guồng quay bóng đá chuyên nghiệp, các nhà cầm quân cũng đã được các ông bầu đãi ngộ bằng các khoản lót tay trước khi ký hợp đồng.
Lương cao, số tiền lót tay không hề thua kém các cầu thủ, các HLV đã có tiếng nói, vị thế quan trọng trong sự phát triển của các CLB. Đây là bước tiến lớn của các HLV trong xu hướng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Hành trình 20 năm của V.League đã chứng kiến nhiều thay đổi, thành tựu đáng ghi nhận ở nhiều khía cạnh như BTC giải đấu, công tác tổ chức, CLB, cầu thủ, khán giả… cho dù vẫn còn một vài vấn đề chưa thực sự xứng tầm "chuyên nghiệp" tồn đọng nhưng vẫn có thể chấp nhận được vì bài toán "Lên Chuyên" không phải câu chuyện "một sớm, một chiều".
Hành trình 20 năm của V.League đã tạo nên bức tranh tổng quan cho sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam, theo đó, gắn chặt lợi ích của bóng đá cấp CLB với lợi ích của bóng đá cấp Đội tuyển Quốc gia bởi khi các CLB càng có nhiều cầu thủ chất lượng cao - xuất phát từ nền tảng đào tạo trẻ - các ĐT Việt Nam càng có nhiều lựa chọn tốt để đua tranh tại các giải đấu tầm cỡ châu lục và quốc tế.
Cho dù, như đã nói ở trên, vẫn còn một số vấn đề tồn đọng trong sứ mệnh chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam mà chúng ta có thể nắm bắt rõ ràng khi nhìn lại chặng đường 20 năm của V.League, tuy nhiên, đấy sẽ là mục tiêu, nhiệm vụ để bóng đá Việt Nam tiếp tục hoàn thiện mình trong những chặng đường 20 năm tiếp theo…
Tin nổi bật
Tin Video