Tin tức

1.345 km nhớ thương của cậu học trò nghèo miền núi trở thành thầy giáo trẻ được vinh danh: Suốt 4 năm chỉ về thăm mẹ được 2 lần

Sinh ra ở vùng núi nghèo ở Bắc Kạn, cậu học trò người Tày - Triệu Văn Huynh đã trải qua những tháng ngày đầy cơ cực để chạm đến ước mơ trở thành một thầy giáo. Xã hội đã bước những bước tiến rất xa, nhưng hành trình con chữ của học trò đồng bào thiểu số vẫn còn vô vàn gian truân.

20/11/2020 11:32

Con chữ trên lưng mẹ

5h sáng, trong làn sương lạnh buổi sớm mai, mẹ ngồi co ro trong góc bếp rang lại ít cơm nguội còn sót lại từ đêm qua, Huynh còn mơ màng cũng nhanh chân chuẩn bị tập vở sẵn sàng cho một buổi học mới. Ăn vội chén cơm khô, rồi hai mẹ con băng qua con đường nhỏ trên thửa ruộng bậc thang, men theo triền dốc đến trường.

 - Ảnh 1.

Nhà của Huynh nằm dưới chân một ngọn đồi ở Nà Giảo - Bắc Kạn. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đêm qua trời mưa lớn khiến dòng nước dưới suối dâng cao, dữ dội. Huynh nhỏ nhắn như chú sẻ non chẳng tài nào lội qua được, thế là mẹ cõng em trên lưng băng qua dòng nước lớn. Gần đến bờ bên kia thì đột nhiên mẹ vấp phải hòn đá, bị trượt chân. Hai mẹ con ngã xoài xuống nước, cả người ướt đẫm, phải quay về nhà để thay quần áo. Từ ngày cha mang theo thương tật từ chiến trường trở về, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ, nhưng dẫu có trăm ngàn khó nhọc mẹ vẫn mong Huynh không từ bỏ con đường học chữ, mẹ tin thế giới ngoài kia có vô vàn điều tươi đẹp đang đón đợi em.

"Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,

Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng"

Từ bỏ ước mơ....

Suốt những năm đi học chưa năm nào Huynh được mang một chiếc cặp mới. Mẹ chỉ xin được chiếc cặp cũ cùng vài cuốn sách nhàu nát, nhưng đối với những cô cậu học trò vùng cao như Huynh những món đồ đó quý giá vô cùng. Hơn ai hết Huynh hiểu rằng phải nỗ lực học tập mới có thể thay đổi tương lai của gia đình.

1345 km nhớ thương của cậu học trò nghèo miền núi trở thành thầy giáo trẻ được vinh danh: Suốt 4 năm chỉ về thăm mẹ được 2 lần - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Huynh bị thủy đậu đúng vào kỳ thi tốt nghiệp lớp Trung học cơ sở. Đến ngày thi, mặt mày vẫn còn lấm tấm các nốt đỏ nhưng cậu một hai xin mẹ đi thi. Thương quyết tâm của con, mẹ lộc cộc đạp xe đưa cậu đến trường.

Không phụ mong đợi, Huynh đậu vào trường Phổ thông nội trú trên tỉnh, nhưng cũng chính lúc này cậu nhận ra đôi vai mẹ đã quá nhiều áp lực. Để có tiền cho con lên tỉnh học, mẹ phải vay mượn khắp xóm, số tiền đó không biết bao giờ mẹ mới trả hết. Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, thương cha mẹ, Huynh muốn từ bỏ ước mơ của mình, cậu nghĩ đến chuyện đi làm để có tiền phụ giúp gia đình. Lúc này, miếng cơm manh áo quan trọng hơn con chữ, cậu nghĩ vậy.

Huynh nói với cha mẹ ý định của mình, mẹ trầm ngâm hồi lâu rồi nói: "Anh chị đã nghỉ học hết, nếu giờ con cũng nghỉ thì sau này lại khổ. Cứ cố gắng học, bố mẹ còn gắng được, đến đâu tính đến đó". Ngoài trời sương phủ trắng mờ đụt.

Nỗ lực của Huynh cuối cùng cũng được đền đáp, cậu đậu vào trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên và trở thành một thầy giáo. Đó không chỉ là ước mơ của Huynh mà còn là ước mơ lớn nhất trong đời mẹ.

 - Ảnh 4.

Triệu Văn Huynh đã trải qua những tháng ngày đầy cơ cực để chạm đến ước mơ trở thành một thầy giáo

1345 km nhớ thương

Năm 2016, Huynh một lần nữa rời xa gia đình, cậu quyết định vào Nam tìm cơ hội hội phát triển. Huynh được nhận vào giảng dạy bộ môn địa lý tại trường THCS Châu Văn Liêm (Cần Thơ) - một nơi cách quê hương hơn 1.345 km. Cuộc sống xa lạ nơi miền sông nước khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn.

 - Ảnh 5.

Cuộc sống xa lạ nơi miền sông nước khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn

"Có rất nhiều rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, cả ẩm thực nữa. Lúc đầu ăn không quen vì vị khác quá, mình nói chuyện cũng hơi khó nghe nên đôi khi học sinh cũng không hiểu. Nhờ tình cảm của đồng nghiệp và học trò rồi dần dần mình cũng đi vào quen dần với cuộc sống mới" - thầy Huynh tâm sự.

 - Ảnh 6.

Thầy Huynh là người truyền thật nhiều cảm hứng cho thế hệ học trò tiếp nối

- Thầy đi xa vậy, chắc mẹ buồn lắm!

- Mẹ tin mình đã đủ trưởng thành để tự chăm lo cho bản thân, mẹ bảo chỉ cần mình được sống hạnh phúc, thì mẹ đã yên lòng rồi.

Suốt 4 năm qua, vì điều kiện không cho phép, thầy Huynh chỉ về thăm nhà được vỏn vẹn 2 lần. Thầy bảo đôi khi chỉ cần được về nhà một đêm, ngồi ăn bữa cơm cùng cha mẹ cũng đã thấy hạnh phúc khôn xiết. Với bậc cha mẹ, họ cũng chẳng mong mỏi gì xa xôi, chỉ cần nhìn thấy con nên người, bấy nhiêu thôi cũng thật đủ đầy cho mấy mươi năm gánh vác gian truân.

 - Ảnh 7.

Suốt 4 năm qua, thầy Huynh chỉ về thăm nhà được có 2 lần

 - Ảnh 8.

Những tấm bằng khen được treo đầy một góc nhà

Giờ đây thầy Huynh là người truyền thật nhiều cảm hứng cho thế hệ học trò tiếp nối. Ngôi trường mà thầy đang công tác có rất nhiều em nhỏ người đồng bào Khmer, gia đình đa số đều khó khăn, phần lớn các em sống cùng ông bà vì cha mẹ đều đi làm công nhân ở xa. Hơn ai hết, thầy Huynh hiểu tất cả những thiếu thốn của học trò, vì vậy dù đồng lương không nhiều nhưng thầy vẫn dành ra một phần để san sẻ với các em.

 - Ảnh 9.

Nhờ có tình cảm và sự yêu thương của học sinh nên thầy giáo Huynh đã quen dần với cuộc sống mới

"Có hôm mình mua mì tôm gửi cho ông bà, có khi thì chia sẻ phần thức ăn của mình cho các em. Mặc dù không nhiều như mình luôn động viên và mong các em không từ bỏ con đường học vấn, bởi mình cũng đã từng phải đối mặt với những điều mà học trò đang gặp phải" - rõ ràng không có quá nhiều học trò dân tộc thiểu số đủ kiên trì theo đuổi con đường học vấn, nếu không có sự quan tâm kịp thời các em rồi lại đi vào vết xe của bố mẹ, cứ quanh quẩn trong trong cái nghèo không lối thoát./.

 - Ảnh 10.

Ngôi trường mà thầy Huynh đang giảng dạy đa số học sinh là người dân tộc và có cuộc sống rất khó khăn

Với những đóng góp với ngành giáo dục trong suốt 4 năm qua, tháng 11 năm 2020, thầy giáo Triệu Văn Huynh được vinh danh trong chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô (do Trung Ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Bộ Giáo Dục - Đào Tạo, Uỷ Ban Dân Tộc và tập đoàn Thiên Long phát động).

Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các giáo viên người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam.

Ý kiến của bạn