12 cán bộ, chiến sĩ công an bị tước quân tịch do sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả
(VOVTV) - Trong số 13 cán bộ, chiến sĩ Công an Lai Châu vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, có 12 người bị tước quân tịch, trong đó có hai lãnh đạo chỉ huy cấp phòng, một số chỉ huy cấp đội, còn lại là cán bộ chiến sĩ.
Thực hiện kế hoạch tổng rà soát văn bằng, chứng chỉ của Bộ Công an, Công an tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch rà soát văn bằng, chứng chỉ trong toàn lực lượng. Việc rà soát được tiến hành theo các bước: Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ tự kê khai theo mẫu của Bộ; Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thành phố trực tiếp kiểm tra văn bằng, chứng chỉ gốc.
Khi lãnh đạo chỉ huy các đơn vị phát hiện dấu hiệu khả nghi, bất thường về thời điểm, địa điểm cấp, mâu thuẫn về thời gian sử dụng thì lập danh sách báo cáo lên lãnh đạo Công an tỉnh. Trên cơ sở danh sách các văn bằng, chứng chỉ có dấu hiệu bất thường, Công an tỉnh sẽ thành lập các tổ kiểm tra xuống trực tiếp kiểm tra.
Đến nay, ngoài trường hợp vi phạm sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả của cựu Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế đã bị tước quân tịch và khai trừ khỏi Đảng, Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện thêm 12 trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả và đề nghị Bộ Công an tước quân tịch 11 trường hợp, 1 trường hợp giáng cấp bậc hàm do quy định thời điểm tuyển dụng được phép sử dụng văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và đến nay trường hợp này cũng đã hoàn thành chương trình bổ túc THPT.
Sau khi xử lý các trường hợp vi phạm, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Theo đó, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ đã được xử lý rút khỏi quy hoạch Phó giám đốc Công an tỉnh, điều chuyển công tác, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ và kiểm điểm sâu sắc.
Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Ban Giám đốc Công an tỉnh đã kiểm điểm nghiêm túc từ cán bộ cho đến chỉ huy cấp đội, chỉ huy cấp phòng và đồng chí trong Ban giám đốc phụ trách lĩnh vực. Nội dung này đã được lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chủ trì những buổi họp kiểm điểm. Trên cơ sở kết luận của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh cũng đã điều chuyển các đồng chí vi phạm trong lĩnh vực này".
Trước câu hỏi của phóng viên về việc thời gian gần đây có một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an Lai Châu viết đơn xin ra khỏi ngành và dư luận cho rằng đó là hiện tượng bất thường? Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết thêm:
"Các trường hợp xin ra khỏi ngành đều được Ban Giám đốc và lãnh đạo chỉ huy các đơn vị sử dụng cán bộ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và họ đều có lý do riêng về điều kiện gia đình hoặc xin nghỉ để làm kinh tế. Những trường hợp viết đơn xin ra khỏi ngành, Ban Giám đốc đều chỉ đạo, trực tiếp là Phòng Tổ chức cán bộ và lãnh đạo công an các huyện sử dụng cán bộ đó đi sâu tìm hiểu tâm tư. Có thể nói, chúng tôi luôn luôn nắm bắt tâm tư của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là những trường hợp cán bộ đang công tác trong ngành mà có ý định viết đơn xin ra khỏi ngành thì đều được giải quyết một cách thỏa đáng".
Về nguyên nhân những trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả chậm phát hiện trong thời gian dài, lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu chỉ ra là do quy định của ngành chưa chặt chẽ trong việc xác minh; khi nhận hồ sơ, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ chỉ kiểm tra văn bằng, chứng chỉ gốc bằng mắt thường, xem có bất thường hay không mà chưa có quy định đối chiếu nơi cấp, thời gian cấp, địa điểm cấp bằng...
Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cũng cho biết, đến nay, lực lượng Công an Lai Châu đã hoàn tất công tác rà soát và không còn trường hợp nào sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả./.
Tin nổi bật
Tin Video