11/3/2021 - Tròn 10 năm thảm họa kép tại Nhật Bản
(VOVTV) - Hôm nay (11/3), Nhật Bản tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng 10 năm trước (11/3/2011 - 11/3/2021). 10 năm đã đi qua, dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn với những niềm lạc quan.
Phút cầu nguyện cho những người đã khuất...
10 năm qua, dù tổ chức chính thức hay không, cứ đến 2:46 phút, khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở ngoài khơi Đông Bắc, những người dân ở các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất, sóng thần, lại dành 1 phút mặc niệm cho những người thân yêu đã khuất trong thảm họa kép này.
Chiều nay, sau 1 năm phải hủy và thu nhỏ quy mô các sự kiện tưởng niệm do dịch COVID-19, nhiều địa phương ở Fukushima, Iwate, Miyagi sẽ tổ chức các buổi lễ tưởng niệm như họ vẫn làm trong những năm qua.
Ở quy mô quốc gia, chiều nay, tại Nhà hát Quốc gia ở Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Yoshihide Suga và các vị quan khách sẽ dành một phút mặc niệm trong lễ tưởng niệm các nạn nhân động đất sóng thần.
Ký ức đau thương với người dân Nhật Bản
Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter, mạnh nhất từ trước tới nay ở Nhật Bản, và là một trong 5 trận lớn nhất thế giới từng ghi nhận đã xảy ra ở ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản. Trong vòng nửa tiếng sau đó, sóng thần ập vào các vùng ven biển, khiến hơn 18.000 người thiệt mạng và mất tích (NHK).
Ở tỉnh Fukushima, cơn sóng thần mang sức mạnh hủy diệt đã gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất sau thảm họa Chernobyl, thải ra một lượng phóng xạ khổng lồ khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.
Nỗ lực tái thiết không ngừng
10 năm sau thảm họa động đất, sóng thần, có người ngay từ sau khi thảm họa xảy ra đã chọn ở lại, có người sau vài năm chọn quay trở về, và cũng có người không bao giờ quay trở lại.
Chính phủ và người dân Nhật Bản vẫn đang nỗ lực tái thiết và xây dựng lại từ hoang tàn đổ nát. Họ phải vượt qua rất nhiều khó khăn sau khi đã mất tất cả. Nhiều người không chỉ mất nhà cửa, mà còn mất cả người thân và sinh kế. Nhờ những nỗ lực của họ, cuộc sống bên ngoài khu vực ô nhiễm đã dần trở lại, nhiều người dân cũng đã quay lại nơi này.
Chính phủ Nhật Bản coi việc phục hồi Fukushima là biểu tượng của sự phục hưng đất nước trước thềm Olympic, đã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân quay trở lại những nơi mà họ đã phải bỏ đi như hỗ trợ tài chính và làm sạch đất ô nhiễm phóng xạ.
Trong những năm qua, Nhật Bản đã chi tới 38.000 tỷ yên xây dựng lại thành phố, hệ thống đê điều, chắn sóng, hệ thống giao thông, trường học… tại khu vực Đông Bắc. Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù đa số đã xong để có thể bắt đầu cuộc sống trở lại, nhưng có tới 60% hệ thống này không được người dân sử dụng. Đây là vấn đề nan giải mới của Nhật Bản, bởi khắc phục hậu quả thảm họa không đơn giản chỉ là xây mới lại trường học hay công sở, mà là con người có chấp nhận những sản phẩm đó không.
Ngày 9/3, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011 và các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn thời gian hoạt động của Cơ quan Tái thiết thêm 10 năm tới năm 2031, đồng thời khẳng định giai đoạn 5 năm kể từ tháng 4/2021 là giai đoạn 2 của quá trình tái thiết và phục hồi. Chi phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi các khu vực thảm họa ước tính lên tới 1.600 tỷ yen (khoảng 15 tỷ USD).
Phát biểu trước cuộc họp nội các, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết, nếu không tái thiết Fukushima, vùng Đông Bắc sẽ không bao giờ phục hồi, và nếu không tái thiết vùng Đông Bắc, Nhật Bản sẽ không bao giờ hồi sinh. Ông nhấn mạnh các nỗ lực tái thiết sau thảm họa kép sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ./.
Tin nổi bật
Tin Video