10 sự kiện trong nước nổi bật 2021
Đại hội Đảng lần thứ XIII; Bầu cử Quốc hội; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp... là những sự kiện nổi bật năm 2021.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh mẽ, chi phối mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra năm nay lớn hơn rất nhiều so với năm trước.
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng chung sức, nỗ lực gấp đôi, gấp ba bình thường để từng bước thích ứng, chung sống an toàn với dịch. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2021.
1. Đại hội Đảng lần thứ XIII và khát vọng đất nước hùng cường
Chuỗi sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2021 mở đầu bằng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra từ ngày 25/1 - 1/2.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Bí thư Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử với số phiếu tập trung cao.
Đại hội XIII đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới, đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đề ra phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chủ trì họp báo quốc tế ngay sau khi bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thành công của Đại hội XIII không chỉ là việc thông qua Nghị quyết hay bầu Ban Chấp hành Trung ương mà quan trọng hơn là đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến Nghị quyết thành hiện thực như thế nào.
Ông cho rằng, phải thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới, “làm sao phải tạo ra của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn. Thế mới thành công”.
2. Bầu cử Quốc hội và thế hệ lãnh đạo mới
Ngày 23/5/2021, gần 70 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với tỷ lệ cử tri đi bầu 99,6%, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trên cơ sở kết quả bầu cử, cuối tháng 7, Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ nhất, 499 ĐBQH đã bầu tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ, do tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu.
Các chức danh lãnh đạo Quốc hội khóa XV gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ. Trong đó, ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội thứ 12 của Việt Nam kể từ năm 1946.
Có thể nói, đây là kỳ họp đặc biệt trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm ngay trong kỳ họp đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
3.Lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết đến cấp xã
Kể từ sau thành công của Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều đáng chú ý, các hội nghị đều được tổ chức trực tuyến, kết nối tới tận cấp cơ sở.
Điển hình, ngày 27/3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị kết nối tới 7.439 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở với hơn 959.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Sáng 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hội trường Diên Hồng.
Hội nghị cũng được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.
Trong tháng 12, các Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Đối ngoại toàn quốc cũng được tổ trực tuyến, kết nối các điểm cầu Trung ương tới các huyện, thị xã, xã phường, thị trấn trên cả nước.
Đây là các Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức, nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Quy định, Kết luận của Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Tất cả các hội nghị đều được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản và đã rất thành công, đúng với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và «Dọc ngang thông suốt».
4. Công cuộc “đốt lò” bổ sung biểu hiện tiêu cực
Năm 2021, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà như nhiều người vẫn gọi là “công cuộc đốt lò” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Hàng loạt quan chức cấp cao tiếp tục bị kỷ luật, xử lý hình sự cho thấy cuộc chiến này không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Trong năm, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cao cấp bị kỷ luật, khởi tố như: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (cảnh cáo, cách chức Trưởng Ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương); Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam và nguyên Chủ tịch Bình Dương Trần Thanh Liêm (cách tất cả các chức vụ trong Đảng, truy tố tội gây thất thoát tài sản); Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (khai trừ Đảng, bị khởi tố do liên quan vụ thuốc ung thư giả); nguyên Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang; kỷ luật hàng chục sĩ quan cảnh sát biển, trong đó có 7 tướng lĩnh; kỷ luật 29 cá nhân liên quan vụ tha tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam…
Đặc biệt, giữa tháng 9/2021, Bộ chính trị ban hành quy định bổ sung chức năng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, tên gọi Ban chỉ đạo được bổ sung từ “tiêu cực”, thành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phạm vi chỉ đạo của Ban chỉ đạo vì thế cũng rộng hơn trước: Trong phòng, chống tiêu cực thì trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đây là lần đầu tiên Đảng đưa việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên thành một nhiệm vụ cụ thể và giao nhiệm vụ này cho Ban chỉ đạo.
Tiếp đó, đến tháng 10, tại Hội nghị lần thứ tư khóa XIII, Trung ương đã họp bàn về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm; coi đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tổ chức thực hiện tốt Quy định mới và Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này sẽ có tác động tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
5. Tăng trưởng kinh tế nhờ chống dịch thích ứng an toàn
Đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Delta đã hủy hoại các thành quả phòng, chống dịch trước đó, với số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam.
Từ đầu đợt dịch lần thứ tư cho đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã ghi nhận 1.700.000 ca nhiễm và gần 32.000 ca tử vong. Hệ lụy của dịch bệnh khiến nền kinh tế tê liệt, quý III tăng trưởng âm kỷ lục 6,17%.
Đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch bệnh từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Đến nay, sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, thực tiễn đã chứng minh chiến lược này là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.
Nhờ chính sách chống dịch mới, doanh nghiệp cả nước khôi phục sản xuất, nền kinh dần phục hồi. Kết quả cả năm GDP tăng trưởng dương 2,6%.
Đóng góp vào thành quả trên có vai trò lớn của ngành GTVT, trong thời điểm các tỉnh, thành đồng loạt giãn cách xã hội, nhờ sáng kiến “mở luồng xanh vận tải” mà chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cần vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Trong đó, điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả.
Quá trình triển khai Nghị quyết 128, sẽ kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
6. Chiến dịch tiêm chủng lịch sử và dấu ấn “ngoại giao vaccine”
Từ chỗ thiếu trầm trọng vaccine phòng Covid-19, đến nay Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc bắt đầu từ ngày 10/7/2021. Đến nay tỷ lệ tiêm 1 mũi đạt 82,6% dân số, tiêm đủ liều đạt 68,4%; hiện đã và đang tiếp tục tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nguy cơ cao.
Để có được kết quả trên, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng với rất nhiều giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine và kêu gọi toàn dân đóng góp; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.
Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine ghi dấu ấn đậm nét. Với nỗ lực và vận động quyết liệt của ngoại giao vaccine, sự vào cuộc trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Có thể nói, đảm bảo nhu cầu tiêm chủng ở trong nước.
Tỷ lệ tiêm phủ vaccine đạt được là điều kiện cực kỳ quan trọng để khôi phục các hoạt động động kinh tế - xã hội, giảm thiểu nguy cơ mắc và tử vong do Covid-19.
7. Khởi công, khánh thành nhiều công trình giao thông lớn
Sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay (109.000 tỷ đồng), nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.
Dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào vận hành giai đoạn 1 năm 2025. Theo tính toán, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và gặp nhiều khó khăn… tuy nhiên cả 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đều đang được rốt ráo triển khai thi công theo đúng kế hoạch. Bộ GTVT cũng đang rốt ráo chuẩn bị 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 để sớm nối thông toàn tuyến; phấn đấu 2025 cả nước có 3.000km và 2030 có 5.000km đường cao tốc.
Cùng đó, hàng loạt dự án án lớn khác như: Nâng cấp, cải tạo các đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Dự án 7.000 tỷ nâng cấp, cải tạo đường sắt… cũng triển khai đảm bảo tiến độ.
Những kết quả trên đã góp phần đưa ngành GTVT lọt top đầu giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.
Cũng trong năm 2021, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội chính thức tổ chức bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị thí điểm Cát Linh - Hà Đông và đưa vào khai thác, vận hành.
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước về đích, đưa vào hoạt động nhận được sự quan tâm đặc biệt, được người dân Thủ đô cũng như người dân cả nước hân hoan đón nhận.
8. Lao động ồ ạt rời thành phố về quê
Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 1.300.000 lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến ngày 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.
Những con số này chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đây chính là cao điểm của làn sóng hồi hương hiếm thấy trong lịch sử.
Dòng người lũ lượt rời các đô thị lớn bằng xe máy để về quê, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây và trên hành trình đó, có nhiều câu chuyện khiến nhiều người không khỏi day dứt, ám ảnh.
Không ít những người buộc phải về quê bằng xe đạp, thậm chí đi bộ, dù quãng đường xa cả nghìn cây số bởi họ không còn lựa chọn nào khác.
Sau khi dịch dần được kiểm soát, một số quay trở lại, nhưng cũng không ít người quyết định từ bỏ hẳn giấc mơ thành phố. Điều này đã khiến các doanh nghiệp, nhất là khu vực phía Nam thiếu hụt trầm trọng lao động.
Từ đây, xã hội có dịp nhìn lại một vấn đề dường như đã bị lãng quên, đó là vấn đề phân bố lao động và đảm bảo an sinh cho người lao động tại các đô thị, khu công nghiệp.
Đây cũng là bài toán được đặt ra cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách thời gian tới.
9. Vàng, chứng khoán, bất động sản tăng chóng mặt
Trong năm 2021, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, chứng khoán và bất động sản đều tăng giá chóng mặt.
Theo đó, giá vàng SJC đã tăng giá 10% trong năm 2021, đã có lúc, giá vàng trong nước đạt ngưỡng kỷ lục khi vượt 62 triệu đồng/lượng.
Trong năm 2021, sản xuất ngưng trệ, lãi suất ngân hàng xuống thấp, người dân đổ tiền vào chứng khoán đã khiến chỉ số VN-Index đã lập đỉnh lịch sử khi vượt qua 1.500 điểm.
Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào chứng khoán, thanh khoản thị trường có phiên kỷ lục gần 52.000 tỷ đồng. Cá nhân trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản, lớn hơn 4 năm gần nhất (2017 - 2020) cộng lại.
Trong khi đó, thị trường bất động sản là kênh đầu tư tăng trưởng bất thường nhất trong năm 2021. Suốt từ đầu năm đến nay, sốt đất xảy ra tại nhiều tỉnh thành, kể các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Lào Cai.
Nhìn chung, giá đất nền một số địa phương đã tăng 20 - 45% trong năm 2021; nhiều khu vực giá đất tăng gấp đôi trong vòng 1 năm; thị trường căn hộ ghi nhận giá kỷ lục lên tới 800 triệu đồng/m2 xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM.
Đặc biệt, phiên đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm vào những ngày cuối năm đã gây choáng váng giới đầu tư với mức giá 2,45 tỷ đồng/m2.
Mức giá này lập tức tác động tới thị trường bất động sản TP.HCM và được dự báo sẽ tác động đến các nơi khác. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây là hiện tượng rất bất thường vì sẽ tạo lập mặt bằng giá mới, ảnh hướng lớn đến môi trường đầu tư.
Sau một số trường hợp trúng đấu giá cao bất thường, Thủ tướng đã ban hành Công điện, yêu cầu các bộ ngành liên quan vào cuộc, ngăn chặn việc thổi giá đất gây nhiễu loạn thị trường.
10. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên ghi dấu ấn ở nhiều giải đấu
Tháng 6/2021, sau thời gian dài bị hoãn do dịch bệnh, vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra ba lượt đấu còn lại. Với những lợi thế trước đó, cộng thêm 2 trận thắng Malaysia và Indonesia, đội tuyển Việt Nam đã giành vé đi tiếp dù để thua UAE ở lượt đấu cuối.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đánh dấu cột mốc đội tuyển Việt Nam góp mặt ở vòng đấu cuối một kỳ World Cup, nó cũng cho thấy bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định.
Bên cạnh đó, sau lần đầu tiên tham dự năm 2016, đội tuyển futsal Việt Nam có lần thứ hai dự World Cup futsal vào năm 2021. Tại giải này, Việt Nam nằm chung bảng với Panama, CH Séc và Brazil.
Thày trò HLV Phạm Minh Giang xuất sắc giành vé vào vòng knock-out và chỉ chịu thua tuyển Nga với tỷ số 2-3. Tuy vậy, cũng cho thấy bước tiến vượt bậc của futsal Việt Nam.
Về thành tích cá nhân, vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc hạng 49kg nam Paralympic 2020 Nhật Bản; nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành võ sĩ boxing Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch WBO thế giới hạng nhẹ. Đây đều là những thành tích rất đáng tự hào của thể thao nước nhà.
Tin nổi bật
Tin Video